Đến nay, các công trình đã đi vào hoạt động và có hiệu quả, từng bước đưa Gia Phong trở thành địa phương phát triển kinh tế khá trong cụm khu vực Hữu Ngạn. Bên cạnh đó, các công trình trên còn góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Gia Phong
Hệ thống đê quai vùng Bắc Rịa có chiều dài trên 5km, được xem là "phòng tuyến" quan trọng của xã Gia Phong. Theo người dân nơi đây, khi chưa được Nhà nước đầu tư xây dựng đê quai này, sản xuất nông nghiệp của xã rất khó khăn. Cả năm chỉ cấy được vụ đông xuân còn vụ mùa không ăn chắc, thậm chí vụ đông xuân còn chịu ảnh hưởng của lũ tiểu mãn nên ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Từ khi có dự án phân lũ, chậm lũ, đê quai Bắc Rịa được đầu tư xây dựng kiên cố thì bà con nhân dân xã Gia Phong rất phấn khởi, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Đồng chí Đinh Huy Lựa, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết: Trước đây, vụ đông xuân năng suất lúa chỉ được 55 tạ/ha, nhưng 3 năm gần đây đã tăng lên trên 62 tạ/ha. Vụ mùa những năm gần đây bà con nông dân đã chủ động đưa giống lúa lai có chất lượng cao vào sản xuất. Qua đó đã góp phần đưa sản lượng lương thực của Gia Phong ngày một tăng cao. Đặc biệt là tuyến đường giao thông 477 nối dài từ xã Sơn Lai qua Gia Phong và đến xã Gia Lạc có tổng chiều dài trên 3,2km. Trước đây đoạn đường gập ghềnh, về mùa mưa thì lầy lội, mùa hè thì bụi mù mịt, làm ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất của nhân dân. Hiện nay, tuyến đường trên đã được đổ bê tông.
Bà Phạm Thị Liễu, người dân thôn Lỗi Sơn cho biết: Từ khi được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình chống lũ bà con chúng tôi rất phấn khởi. Những năm trước có cấy cũng chưa chắc được thu hoạch, đi lại khó khăn, con cháu học hành vất vả, bây giờ thay đổi rất nhiều nên người dân cũng phấn khởi góp sức để cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.
Ngoài công trình trên, Gia Phong còn được quan tâm xây dựng trụ sở UBND xã và trường THCS. Trường THCS được xây dựng cao tầng từ năm 2005, có 12 phòng học, với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Công trình trường THCS được xây dựng đã giúp cho các thầy, cô giáo và các học sinh yên tâm dạy và học, không còn phải lo lắng, nhất là mỗi khi mùa mưa bão về.
Trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Gia Phong có nhiều thuận lợi do được thụ hưởng từ dự án "sống chung với lũ". Tuy nhiên để đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đối với xã Gia Phong vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện xã vẫn còn 1 số công trình cấp thiết chưa được đầu tư xây dựng như: Các tuyến đường giao thông liên xã, trạm y tế và đặc biệt là công trình nước sạch. Công trình này đã được khởi công xây dựng từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn còn dở dang, người dân nơi đây vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Như vậy, những tiêu chí về y tế, nước sạch, giao thông nông thôn, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động... đang là một thách thức lớn đối với Gia Phong.
Đồng chí Đinh Huy Lựa, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Gia Phong mặc dù nằm trong những xã được thụ hưởng dự án "sống chung với lũ", một số công trình như đê điều, giao thông nông thôn, trường học, trụ sở làm việc đã được đầu tư xây dựng và phát huy tác dụng làm thay đổi bộ mặt của xã, tuy nhiên Gia Phong vẫn là một trong những xã khó khăn của huyện Gia Viễn nói riêng và của tỉnh nói chung. Tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó việc huy động sức dân còn có giới hạn. Để xây dựng được thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã cần có sự quan tâm của Nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình nằm trong dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Hiện tại xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân hưởng ứng đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình, theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", để vừa phát huy được hiệu quả các công trình thuộc dự án phân lũ chậm lũ trên địa bàn, vừa nhanh chóng đạt được ngày càng nhiều tiêu chí nông thôn mới.
Bảo Yến