Xã nghèo trọng điểm
Nằm trong vùng phân lũ của khu hữu ngạn sông Hoàng Long nên Gia Minh chịu ảnh hưởng của thiên nhiên khắc nghiệt, hạn hán vào mùa khô và lụt lội vào mùa mưa. Toàn xã có diện tích tự nhiên gần 667 ha, trong đó có 362,3 ha đất sản xuất nông nghiệp, còn lại là núi đá. Những năm trước, nông dân Gia Minh chỉ sản xuất được 1 vụ lúa chiêm, còn 25% diện tích đất ngoài đê sản xuất không ăn chắc do ảnh hưởng của lũ tiểu mãn. Hệ thống tưới, tiêu của xã phụ thuộc vào 2 trạm bơm Gia Minh 1 và Gia Minh 2, song những công trình này đều được xây dựng từ năm 1973 nên đã xuống cấp nghiêm trọng, công suất thực tế chỉ bằng nửa công suất thiết kế, không đáp ứng được nhu cầu tiêu úng. Năng suất lúa trung bình chỉ đạt 100 tạ/ha. Thu nhập của người dân bấp bênh, bình quân lương thực đầu người đạt 900 kg/người/năm (nếu là năm được mùa) còn những khi mất mùa thì con số này chỉ đạt 500 kg/người.
Mặc dù dự án "sống chung với lũ" được triển khai từ năm 2002 nhưng đến nay hầu hết các công trình hạ tầng ở Gia Minh còn đang dang dở. Đến cuối năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 27,02%, Gia Minh trở thành 1 trong 3 xã nghèo trọng điểm của huyện Gia Viễn (gồm Gia Phong, Gia Lạc và Gia Minh).
Học sinh trường tiểu học Gia Minh (Gia Viễn)
Quyết tâm giảm nghèo
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Hà Tiến Minh bộc bạch: Trong quá trình phát triển kinh tế, Gia Minh đã tiến hành nhiều giải pháp tích cực góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhưng thực sự chưa tạo ra bước đột phá mới.
Thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy và Đề án giảm nghèo đến năm 2010 của UBND tỉnh, UBND huyện, Gia Minh đã thành lập Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên và đề ra giải pháp giảm nghèo cho từng năm. Theo đó, đến năm 2010, toàn xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10,3%. Xã đã tiến hành rà soát, điều tra từng hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo để có cách tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả.
Đảng bộ Gia Minh giao chỉ tiêu cho chi bộ và phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, thực hiện phương châm "1 + 2": 1 hộ nghèo + 1đảng viên + 1 đoàn thể, có trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo về sử dụng vốn, kiểm tra cung cách làm ăn của các hộ để có sự hướng dẫn cụ thể hơn, khắc phục tình trạng hỗ trợ xong là hết trách nhiệm. Ngoài ra, kết quả xóa nghèo sẽ là một trong những tiêu chí "cứng" để đánh giá xếp loại thi đua hàng năm của cán bộ, đảng viên, chi bộ và các đoàn thể.
Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã tiến hành quy hoạch 3 vùng trồng rõ rệt: Vùng trũng thực hiện mô hình lúa + cá (diện tích 130 ha); vùng chân vàn là vùng thuận tiện trong việc tưới tiêu sẽ chuyển đổi sang trồng lúa có chất lượng cao và phát triển làm lúa tái sinh kết hợp làm vụ đông (diện tích này khoảng 155 ha); vùng cao sẽ được phát triển đa dạng các loại cây rau mầu cho hiệu quả kinh tế cao..., đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Đi đôi với công tác quy hoạch sản xuất, Gia Minh đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp; tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận tiến bộ KHKT, sớm đưa hộ nghèo thoát ra khỏi tình trạng thiếu kiến thức khoa học trong sản xuất... Với 87,81 ha núi đá, đây sẽ là một trong những thế mạnh của địa phương để phát triển nghề trồng gấc, trồng măng và nuôi thỏ. Ngoài ra, một số diện tích ao hồ sẽ được tận dụng để thả bèo bồng làm nguyên liệu phục vụ cho phát triển nghề đan bèo bồng xuất khẩu.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, toàn xã có 20% dân số làm kinh doanh, dịch vụ. Trong tháng 4/2008, xã được đầu tư xây dựng 1,5 km kênh cứng và 2,5 km kênh tiêu phục vụ cho vùng trồng cây vụ đông và vùng lúa chuyên canh có năng suất cao.
Với tiềm năng đang được đánh thức, tư duy phát triển kinh tế của người dân đang được khơi dậy, Gia Minh sẽ nhanh chóng thoát khỏi danh sách xã nghèo.
Bài và ảnh: Đinh Ngọc