Chủ tịch UBND xã Gia Minh Nguyễn Mạnh Hồng cho chúng tôi biết: Đã 8 năm nay, kể từ khi đập tràn Lạc Khoái được nâng cấp, người dân vùng phân lũ nói chung, xã Gia Minh nói riêng không phải sống trong cảnh lụt lội cả tháng trời do xả tràn. Các gia đình đã yên tâm đầu tư phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị trên 1 ha canh tác.
Những giống lúa mới, chất lượng gạo ngon đã được đưa vào sản xuất. Bình quân lương thực đầu ngươi hàng năm ở Gia Minh đã đạt trên 921 kg. Phát huy thế mạnh của vùng "rốn nước", nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đổi ruộng, phát triển mô hình lúa-cá kết hợp chăn nuôi cho giá trị kinh tế khá.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản của xã đạt gần 160 ha, trong đó nuôi ngoài đê khoảng 100 ha, sản lượng cá bình quân hàng năm đạt từ 90-100 tấn. Kinh tế khởi sắc, đời sống nhân dân đỡ phần khó khăn, vất vả. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 6,71%, giảm 7,1% so với năm 2010.
Trao đổi về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi được biết, dù là xã có đời sống kinh tế thuộc tốp cuối của huyện nhưng khi xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới người dân rất đồng tình ủng hộ.
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các thôn, xóm, gia đình còn bảo ban nhau góp tiền, góp sức, hiến đất làm đường. Đây cũng được coi là phong trào có nhiều khởi sắc nhất ở Gia Minh trong mấy năm gần đây. Cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước (700 tấn), nhân dân đã góp thêm khoảng 1,2 tỷ đồng và đã làm được gần 5km đường thôn, xóm, tạo thuận lợi trong sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Nói về chặng đường còn lại thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Gia Minh Nguyễn Mạnh Hồng không khỏi băn khoăn, trăn trở. Ông nói, đó thực sự là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức, bởi cái thuận mình đã làm trước rồi, còn lại toàn những tiêu chí cần nhiều kinh phí, động đến tiền tỷ cả, do đó để đạt các tiêu chí cần có thêm nhiều nguồn lực đầu tư.
Được biết, thời gian qua, dù rất cố gắng nhưng đến nay Gia Minh mới đạt 6 tiêu chí về nông thôn mới. Ngay phong trào làm đường giao thông nông thôn rầm rộ là thế nhưng mới có khoảng 70% tuyến đường được kiên cố hóa. Nhiệm vụ đặt lên vai BCH Đảng bộ và nhân dân trong xã nhiệm kỳ mới khá nặng nề.
Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xã sẽ phải huy động thêm nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, trường, trạm, nhà văn hóa, kênh mương nội đồng…
Hiện, khu nhà chính của trường mầm non đã được xây dựng nhưng còn thiếu nhà hiệu bộ, nhà bếp, khu vui chơi; trường THCS chưa có nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ; trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng cần phải xây mới; công trình nước sạch, nhà văn hóa xã chưa có; kênh mương kiên cố mới đạt 15%...
Nhìn vào nội lực, Gia Minh có nhiều thế mạnh, đó là đội ngũ cán bộ trách nhiệm, nhiệt tình với công việc; nội bộ đoàn kết; an ninh trật tự ổn định; đặc biệt, nhân dân rất đồng tình hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, cái khó của Gia Minh chính là điểm xuất phát thấp, về cơ bản Gia Minh vẫn là một xã nghèo, thu ngân sách bình quân mỗi năm chỉ đạt trên 4 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người mới đạt khoảng 15 triệu đồng/năm, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ngành nghề chưa phát triển, cả xã mới có 1 cơ sở may gia công, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động; địa bàn xã lại nằm sâu trong vùng phân lũ nên việc tăng ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất không dễ; việc huy động nguồn lực từ con em xa quê còn khiêm tốn.
Do đó, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, hơn lúc nào hết, Gia Minh rất cần có thêm sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của nhà nước, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, con em xa quê, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, từng bước đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
Được biết, với sự trợ giúp của nhà nước, vừa qua xã Gia Minh đã mở thầu và khởi công xây dựng 2 công trình là trạm y tế xã và nhà hiệu bộ trường THCS, đó là tín hiệu vui cho thấy khó khăn đang từng bước được tháo gỡ, nông thôn mới dần hiện hữu trên mảnh đất này.
Hà Trang