Nhiều tiêu chí còn xa mục tiêu Là một xã nghèo lại nằm trên địa bàn thuộc vùng phân lũ, chậm lũ, điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển nên đến thời điểm này kết quả xây dựng NTM ở Gia Minh còn nhiều hạn chế.
Hiện xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, trong đó chủ yếu là các tiêu chí có sẵn như: hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội, điện, bưu điện. Số tiêu chí chưa đạt còn nhiều và đa phần đều ở mức thấp.
Cụ thể như: Tiêu chí về giao thông, tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn xã là trên 52 km, tuy nhiên đến nay mới có 4,5 km đường ngõ xóm, hơn 2,5 km đường trục thôn và gần 2 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa (chiếm 15% tổng chiều dài đường). Về thủy lợi, tỷ lệ kênh mương được cứng hóa mới đạt gần 11%.
Với tiêu chí trường học, hiện tại hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ở các cấp trường mầm non, trung học cơ sở vẫn chưa hoàn thiện bởi thiếu vốn.
Ngoài những tiêu chí trên, nhiều tiêu chí khác như y tế, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động… cũng đang làm khó chính quyền và nhân dân Gia Minh.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chưa đến 60%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 6,51%...
Phân tích về cái nghèo, cái khó ở Gia Minh, lãnh đạo xã cho biết: Đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên có đến 1/3 diện tích canh tác của xã nằm ở ngoài đê, không bằng phẳng, xen kẹp giữa những dãy núi nên việc canh tác hết sức khó khăn.
Mặc dù bình quân mỗi hộ ở đây có tới gần 1,5 mẫu ruộng, cao hơn rất nhiều các địa phương khác nhưng thu nhập lại chẳng đáng là bao.
Không sống được bằng cây lúa, nhiều người trong xã tìm đường đi làm ăn xa, nhưng rồi chi phí đi lại, ăn ở cũng ngốn gần hết số tiền kiếm được.
Phụ nữ, người già, sức khỏe yếu ở lại với đồng ruộng, một năm làm 1-2 vụ lúa, còn thời gian nông nhàn cũng chẳng biết làm gì, bởi ở đây không có nghề phụ cũng chẳng có nhiều công ty, doanh nghiệp để có thể xin vào làm…
Việc tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật còn hạn chế.
Một bộ phận không nhỏ còn thụ động, thiếu năng lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn rất cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
"Cái khó bó cái khôn" nên việc huy động nguồn lực bằng vật chất cho xây dựng NTM rất khó khăn, trong khi đó nhiều tiêu chí xây dựng NTM cần phải có sự đầu tư kinh phí mới hoàn thành được.
Biết rằng, thời gian qua, có những thôn, xóm ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã đồng tình đóng góp sức người, sức của để đổ bê tông đường giao thông, xây nhà văn hóa… một cách quyết liệt. Song con số đó chưa nhiều so với yêu cầu thực tế.
Cần đổi mới tư duy, vươn lên bằng nội lực
Tại buổi kiểm tra, làm việc mới đây với xã Gia Minh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn công tác của tỉnh đã nhấn mạnh: Đứng trước những khó khăn trên, Gia Minh cần xác định mục tiêu phù hợp cho từng giai đoạn để tạo động lực vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cấp ủy Đảng, chính quyền xã cần có sự chuyển đổi về nhận thức, xác định đây là chương trình cần tiến hành kiên trì, bền bỉ với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận để cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia. Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, công chức xã, nhất là cán bộ thôn, xóm.
Quan trọng nhất phải tập trung làm tốt công tác tư tưởng để mọi người dân nhận thức được sự cần thiết, tính tất yếu phải tiến hành dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mới; khơi dậy khát vọng làm giàu trong nhân dân.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho rằng: Gia Minh làm dồn điền, đổi thửa sau, do vậy cần rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, trước khi tiến hành dồn điền, đổi thửa nên nắm luôn những hộ không có nhu cầu làm ruộng để dồn vào một chỗ, từ đó tạo quỹ đất rộng, sạch để kéo các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư làm nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao.
Thời gian tới, huyện Gia Viễn cần thành lập một tổ công tác để giúp Gia Minh trong việc dồn điền, đổi thửa. Riêng Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ ưu tiên dành một số chương trình, dự án về nông nghiệp cho Gia Minh.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn vị phụ trách xã theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết: Để giải quyết việc làm tại chỗ, từ đầu năm đến nay, Sở đã giúp mở 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho hơn 50 học viên tham gia.
Hiện, đã có một số học viên tìm được việc làm với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Đồng thời làm việc với doanh nghiệp gỗ Tài Anh và doanh nghiệp này đã cam kết nhận 100 lao động địa phương vào làm việc tại đơn vị.
Bên cạnh đó, Sở cũng liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, NHCSXH và các Trường đào tạo nghề để tổ chức các hội nghị tư vấn về lao động và xuất khẩu lao động, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 8,24% và hộ cận nghèo là 6,84%, trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nghèo, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương có những giải pháp phù hợp để từng bước giúp đỡ, giảm tỷ lệ này….
Thiết nghĩ, với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, những khó khăn của Gia Minh sẽ từng bước được tháo gỡ, tạo lực để xã phấn đấu vươn lên thực hiện và hoàn thành các tiêu chí còn lại trên bước đường xây dựng NTM.
Hà Phương