Nhiều người chăn nuôi tiếc Với mức giá lợn hơi 42.000 đồng/kg thì trung bình người nuôi thu lời khoảng 6.000-7.000 đồng/kg, tính ra lãi cao nhất 700.000 đồng mỗi con lợn. Thế nhưng, thực tế số đầu lợn trong các gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh không còn nhiều, thậm chí một số trang trại nhỏ đã bán sạch do không thể cầm cự trong đợt rớt giá vừa qua.
Bà Trịnh Thị Lưu, tổ 8, phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết: "Đúng đợt giá lợn chạm đáy vừa qua thì 3 con lợn nái của gia đình tôi cùng đẻ, rồi 20 con lợn chỗn đang đà ăn mạnh. Biết lỗ nhưng vẫn cố cầm cự chờ thêm 1-2 tháng nữa xem giá có lên không.
Mãi không thấy giá lợn nhúc nhích, cách đây gần 1 tháng, tôi gọi thương lái vào bán hết, lợn con có 200 nghìn đồng/1con, lợn hơi thì có 20 nghìn đồng/1kg. Bán xong được mấy hôm thì giá lợn lên vù vù, gia đình tôi tiếc lắm nhưng chẳng biết làm sao".
Ông Trịnh Duy Tân, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn cũng cho hay, hiện giá lợn hơi đã lên mức 45 nghìn đồng/kg, còn giá lợn giống cũng quanh mức 1 triệu đồng/1 con. Tuy nhiên, đáng tiếc là vừa qua, ông đã phải bán đổ, bán tháo hơn 100 con lợn nái.
Không chỉ gia đình ông mà thời gian qua tất cả các thành viên trong HTX chăn nuôi lợn cũng đã phải giảm đàn. HTX từ 40 thành viên với hơn 1.000 lợn nái và 8.000 lợn thịt nay chỉ còn 36 thành viên, 4 hộ bỏ không nuôi nữa, số lợn nái giảm chỉ còn 1/5, lợn thịt không còn là bao. Đàn lợn giảm mạnh, lợn khan hiếm nên hiện nay giá lợn hơi mới tăng cao như vậy.
Tương tự, ông Bùi Văn Thao, tổ 18, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp kể, dạo trước giá lợn xuống thấp, gia đình bán 15 tấn lợn mà lỗ cả mấy chục triệu đồng. Giờ lợn tăng giá lên như thế này thì đã bắt đầu có lãi nhưng trong chuồng cũng chỉ còn 20 con lợn thịt, trong đó có 10 con đang chuẩn bị xuất chuồng.
Đang có nhiều thương lái tới hỏi mua với giá 42 nghìn - 43 nghìn đồng/kg nhưng tôi chưa bán chờ ít hôm nữa xem giá có lên nữa không. Tuy nhiên, theo ông Thao giá lợn phải duy trì ở mức cao như hiện tại trong một thời gian dài nữa thì gia đình ông mới mong gỡ gạc được khoản lỗ trước đó.
Ông Nguyễn Văn Long, một đầu mối chuyên thu mua lợn ở thành phố Tam Điệp thừa nhận, do giá lợn tăng mạnh nên mấy ngày gần đây chúng tôi đi mua lợn thịt rất khó. Đợt trước, tôi có thể đặt cọc mua cả đàn rồi bắt dần về thịt. Song, mấy ngày hôm nay, hỏi mua cả đàn và đặt tiền trước mà các hộ chăn nuôi nhất quyết không bán. Họ chỉ bán nhỏ giọt vài ba con và bán theo giá ngày.
Không nên vội tăng đàn
Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & PTNT), giá lợn hơi đã phục hồi rất đáng kể trong những ngày qua. Giá lợn bình quân loại 80-100 kg/con đã ở mức từ 40 nghìn - 43 nghìn đồng/kg, có nơi cán mốc 45 nghìn đồng/kg.
Nguyên nhân chính của việc giá lợn hơi phục hồi là do ngành nông nghiệp đã triển khai tích cực và đồng bộ các giải pháp, trong đó có kiểm soát mạnh khâu tăng đàn. Người chăn nuôi đã loại thải khá nhiều lợn nái kém chất lượng mà trước đây nuôi tận dụng. Theo thống kê thì hiện tổng đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh đã giảm 20%, riêng đàn lợn thịt giảm hơn 30%. Ngoài ra, còn do thị trường Trung Quốc đang mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, thị trường thịt lợn có dấu hiệu khôi phục trở lại nhưng người dân phải thật bình tĩnh, không nên chủ quan, vội vã tăng đàn. Hiện, thị trường lợn hơi của chúng ta vẫn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, nên rủi ro vẫn có thể tiếp tục xảy ra.
Việc cần làm lúc này của người chăn nuôi là cơ cấu lại sản xuất, điều chỉnh phương thức, đối tượng chăn nuôi cho phù hợp. Nên tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; có thể kết hợp chăn nuôi truyền thống với chăn nuôi hữu cơ.
Ngoài ra, phải đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ cho các phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, thời gian qua sức khỏe đàn lợn sút kém do người chăn nuôi có phần lơ là và mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp, độ ẩm cao, mầm bệnh nhiều, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do vậy, cần tập trung kiểm soát dịch bệnh, nhất là tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Hà Phương