Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp & PTNT, dù DTLCP đã cơ bản được khống chế, song với số lượng lợn tiêu hủy trong cả nước khoảng 5,2 triệu con, Ninh Bình trên 99 nghìn con, đã đẩy giá lợn hơi xuất chuồng những ngày gần đây tăng phi mã. Vào ngày 9/10, trên địa bàn tỉnh giá lợn hơi trên thị trường đã cán mốc 60 nghìn đồng/1kg đối với lợn loại 1.
Việc lợn hơi tăng giá trở lại đã phần nào giải tỏa phần nào tâm lý và khó khăn của người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Cường, Bản Săm, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan cho biết: Gia đình tôi vừa xuất chuồng hơn 1 tấn lợn với giá 55.000 đồng/kg, so với tháng trước đã tăng gần chục giá nên có tiền trả cho đại lý cám và tái đầu tư chăn nuôi.
Ngoài lợn thương phẩm, thị trường lợn giống cũng sôi động không kém, khi giá cả liên tục tăng. "Nếu như vài tháng trước, gia đình tôi dở khóc, dở cười vì lợn con sinh ra không bán được thì đến nay đã không còn để bán. Tôi vừa xuất một lứa lợn giống với giá 1,5 triệu đồng/con, tăng 500.000 đồng/con" - ông Nguyễn Văn Hoành, xã Yên Từ, huyện Yên Mô nói.
Từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn dự báo sẽ tiếp tục tăng, điều này khiến cho không ít người chăn nuôi có tâm lý tái đàn bằng mọi giá, bất chấp DTLCP vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ và các giải pháp công tác 3 tháng cuối năm mới đây của Sở Nông nghiệp & PTNT, lãnh đạo phòng Nông nghiệp & PTNT nhiều địa phương cho biết: Giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn.
Đáng lưu ý là có nhiều trường hợp bà con tái đàn khi địa phương chưa công bố hết dịch, các điều kiện vệ sinh phòng dịch của gia đình không đảm bảo, đặc biệt họ sử dụng nguồn con giống không qua kiểm dịch, con giống ở các vùng vẫn đang có dịch. Việc bà con tái đàn không đúng quy định, vận chuyển con giống từ vùng này qua vùng khác mà không qua kiểm dịch đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.
Thực tế đã chứng minh, nhiều địa phương như Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô sau một thời gian dịch bệnh tạm lắng thì những tuần gần đây số lợn mắc bệnh đã tăng mạnh trở lại.
Ông Trần Anh Khiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Từ ngày 23/8 đến nay, DTLCP trên địa bàn lại bùng phát mạnh. Chỉ trong hơn 1 tháng, đã có trên 100 tấn lợn bị tiêu hủy. Toàn huyện hiện có 13 xã đã công bố hết dịch nhưng sau đó lại bị tái dịch.
Đại diện phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cũng cho biết: Trên địa bàn huyện đã có những hộ dân tự ý tái đàn và bị dịch bệnh. Những trường hợp này huyện kiên quyết không hỗ trợ.
Ngày 8/8/2019, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản hướng dẫn số 1468/SNN-CNTY về việc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý tái đàn trong chăn nuôi lợn bảo đảm công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Theo đó, yêu cầu: Đối với các xã chưa công bố hết dịch, người chăn nuôi tuyệt đối không tái đàn lợn; các trang trại, cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh, đang là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh hoặc thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP, hoặc là cơ sở đang áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì được phép nhập lợn giống về nuôi nhưng phải có sự giám sát của cơ quan thú y, lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng và bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP, nếu nhập lợn từ tỉnh khác về thì phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, lợn giống mới nhập về phải đảm bảo nuôi cách ly ít nhất 30 ngày mới cho nhập đàn. Đối với các xã đã công bố hết dịch, cơ sở chăn nuôi có thể tái đàn sản xuất nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: + Đối với cơ sở chăn nuôi đã có lợn bị bệnh DTLCP: Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Đăng ký với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để được tư vấn, kiểm tra chuồng trại, cơ sở vật chất trước khi tái đàn. Chuồng trại phải có hố tiêu độc khử trùng trước cửa ra vào khu vực chăn nuôi và mỗi dãy chuồng nuôi; chuồng trại, thiết bị, phương tiện phục vụ chăn nuôi đảm bảo đã được tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng nuôi ít nhất 30 ngày, có biện pháp diệt chuột, ngăn chặn côn trùng; trường hợp chuồng hở phải thực hiện bao lưới lan xung quanh dãy chuồng nuôi và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP, nếu nhập lợn từ tỉnh khác về thì phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. + Đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh DTLCP: Được phép nuôi đủ số lợn có thể nuôi tại cơ sở chăn nuôi. Nếu nhập lợn giống từ nơi khác về nuôi thì lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP, trường hợp nhập lợn từ tỉnh khác về thì phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi nếu không chấp hành các quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như: Tái đàn không khai báo, nhập lợn không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch... sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, đồng thời không xem xét hỗ trợ kinh phí cho chủ cơ sở có lợn bị tiêu hủy và chủ cơ sở phải tự bỏ kinh phí để tổ chức tiêu hủy lợn dưới sự quản lý, giám sát của chính quyền và cơ quan chuyên môn. |
Nguyễn Lựu