Hàng tháng nay, gia đình chị Bùi Thị Tĩnh, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) điêu đứng vì đàn lợn vài chục con bị trả giá quá rẻ, tính sơ bộ đang lỗ hàng chục triệu đồng. Chị Tĩnh buồn bã cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi với quy mô từ 25-30 con lợn thịt, trừ chi phí, bình quân mỗi tháng cũng lãi hơn chục triệu đồng.
Từ Tết đến nay, giá lợn hơi giảm kỷ lục, gia đình tôi đang rơi vào thế, bán đã lỗ, để nuôi càng lỗ. Hiện trong chuồng vẫn còn gần 10 con chưa xuất bán được, thương lái quen trước đến hẹn là bắt, giờ chê lên chê xuống kêu mỡ, kêu to quá khó bán…. Chắc sau lứa này tôi phải nghỉ một thời gian xem thế nào mới gây lại đàn, chứ chăn nuôi lỗ thế này chả mấy chốc mà sạt nghiệp.
Theo chị Tĩnh, mỗi con lợn từ khi mua giống đến lúc xuất chuồng để đạt trọng lượng khoảng 100kg phải chi phí hơn 4 triệu đồng tiền thức ăn, tiền tiêm thuốc phòng bệnh…. Với giá bán vào khoảng 45 - 50 nghìn đồng/kg như năm 2016 thì mỗi con lợn có thể lãi 1 triệu đồng. Còn với giá như hiện nay, người chăn nuôi lợn không có lãi mà thậm chí còn bị lỗ cả triệu đồng/con.
Không riêng gì gia đình chị Tĩnh, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các địa phương trong tỉnh đều đang khốn đốn vì thịt lợn hơi vài tháng gần đây giảm giá quá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi không hề giảm. Theo chia sẻ của những người chăn nuôi lợn, khoảng vài tháng nay, giá lợn hơi bắt đầu xuống nhanh và giữ ở mốc 25- 30 nghìn đồng/kg. Mặc dù giá thấp nhưng nhiều hộ nuôi lợn vẫn không bán được do thương lái hạn chế thu mua, gây khó khăn cho người nuôi, trong khi đàn lợn đến ngày xuất chuồng, bán thì lỗ, còn nuôi tiếp càng lỗ hơn.
Anh Vũ Văn Sinh, xã Tân Thành (Kim Sơn) đang nuôi hơn 30 con lợn thịt, có trọng lượng từ 80-100kg/con. Hiện đã đến thời kỳ xuất chuồng, nhưng do giá lợn hơi xuống thấp nên gia đình vẫn chưa bán được. Nếu như mọi năm, vào khoảng cuối tháng 4, khi bán hết lứa lợn này, gia đình sẽ thực hiện tái đàn, nhưng hiện gia đình anh đang rất băn khoăn có nên tiếp tục chăn nuôi, vợ anh đã khuyên không nên chăn nuôi tiếp nếu giá bán vẫn thấp như hiện nay.
Có một nghịch lý là mặc dù giá lợn hơi giảm sâu trong nhiều tháng qua nhưng đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn bán ở các chợ vẫn không hề giảm, hoặc giảm rất ít. Điển hình như tại chợ Rồng, chợ Nhà máy điện, chợ Kim Đồng… (thành phố Ninh Bình), giá thịt lợn vẫn bán từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Như vậy, trong khi giá lợn hơi giảm 30 - 40% so với trước mà giá lợn thịt bày bán tại chợ chỉ giảm khoảng 10%.
Theo khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn các huyện, thành phố thì mức giá thịt lợn dao động từ 75.000 đến 100 nghìn đồng/kg, tùy thuộc vào các loại thịt. Cụ thể như, thịt ba chỉ có giá từ 75-80 nghìn đồng/kg; xương sườn nhiều thịt 90 nghìn đồng/kg; thịt mông, thịt thăn có giá 100 nghìn đồng/kg. Thắc mắc với người bán hàng thì được biết: "Lợn hơi rẻ nhưng vào chợ thì không còn rẻ nữa vì mất rất nhiều chi phí như vận chuyển, giết mổ, kiểm dịch, vệ sinh... nên dù giá lợn hơi thấp, thì giá thịt lợn bán đến tay người tiêu dùng vẫn không thể giảm".
Một tiểu thương tại chợ Nhà máy điện chia sẻ: Tuy không lấy thịt lợn từ lò mổ hay chợ đầu mối, mà tự mua lợn hơi rồi về mổ thịt với chi phí thấp hơn nhưng bán hàng tại chợ có mức giá chung, người bán không thể tự ý hạ giá. Nếu hạ giá sẽ bị coi là phá giá, bị người cùng bán mặt hàng này trách móc, tẩy chay".
Theo tìm hiểu được biết, lý do giá lợn hơi giảm nhưng thịt lợn bán ở các chợ hay các quầy hàng không giảm, bởi qua nhiều khâu trung gian nên giá được đẩy lên cao. Hiện nay thương lái sau khi thu gom lợn của người dân nhập cho các lò mổ đã tăng giá; từ lò mổ, thịt được đưa về các chợ để phân phối tới các tiểu thương cũng tăng vài giá và tiểu thương khi bán đến người tiêu dùng cũng phải tăng giá để kiếm lời. Qua các khâu trung gian, giá thịt lợn được đẩy lên cao gấp đôi, ba lần ban đầu.
Chính vì vậy, người tiêu dùng phải "gánh" một phần giá lớn từ các khâu trung gian. Với nghịch lý giá lợn hơi - thịt lợn như hiện nay, không chỉ người chăn nuôi bị thua lỗ mà người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi khi phải mua thịt lợn với giá cao.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thịt lợn là mặt hàng không nằm trong danh mục quản lý giá của Nhà nước. Việc mua bán, giá cả tự người mua-người bán thỏa thuận với nhau, thông qua quy luật cung - cầu để quyết định giá. Nếu cung ít mà cầu nhiều thì giá cao và ngược lại nếu cung nhiều, cầu ít thì giá thấp.
Để cân đối cung - cầu, Chi cục cũng khuyến cáo người chăn nuôi trước mắt nên hạn chế việc tái đàn và trong thời gian này cũng không nên tăng đàn.
Đối với những hộ chăn nuôi đang còn lợn nhỏ trong trại thì chỉ nên duy trì chứ chưa nên mở rộng đàn nhằm cắt giảm nguồn cung thịt lợn ra thị trường trong thời gian tới.
Các hộ chăn nuôi cần chờ cho thị trường ổn định, cân đối mức cung tương ứng với mức cầu thì hãy nghĩ đến chuyện tái đàn, tránh tình trạng giá bán lợn giảm xuống mức kỷ lục như hiện nay, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Đồng thời, các cấp, các ngành liên quan cũng cần tăng cường liên kết trong sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như hiện nay.
Bài, ảnh: Huy Hoàng