Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thảnh (xóm 7, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn) đang nuôi 1.000 con lợn, gồm cả lợn thịt và lợn nái. Trung bình 1 tháng, đàn lợn này tiêu thụ hết khoảng 70 tấn cám. So với thời điểm này năm ngoái, hiện nay, giá mỗi bao cám trọng lượng 25 kg đã tăng khoảng 100 nghìn đồng, thậm chí loại cám dành cho lợn con tăng tới 150 nghìn đồng/bao. Điều này kéo theo chi phí chăn nuôi mỗi tháng của trang trại tăng thêm khoảng 300 triệu đồng.
Anh Thảnh chia sẻ: Giá cám liên tục tăng nhưng nghịch lý là giá lợn hơi xuất chuồng lại giảm mạnh. Hiện nay chỉ còn 65 nghìn đồng/kg (thấp hơn 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng). Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Những trang trại chăn nuôi lớn như gia đình anh tự cung cấp được con giống thì còn hòa vốn, còn những hộ phải đi mua lợn giống ở ngoài thì sẽ bị lỗ.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, hiện nay chi phí cho 1 con lợn đến ngày xuất chuồng (1 tạ/con) bao gồm: tiền cám 4 triệu đồng (tăng khoảng 1,7 triệu đồng), tiền giống 1,8-2 triệu đồng, cộng với tiền điện, nước, thuốc thú y đã lên đến trên 6 triệu đồng nên giá lợn hơi bán ra phải ở mức trên 60 nghìn đồng/kg thì người nuôi mới có lãi.
Do vậy, thực chất hiện nay bà con đang bán lợn thương phẩm với giá dưới giá thành, thua lỗ nhưng họ cũng không thể giữ lại nuôi vì không kham nổi chi phí đầu vào. Khó khăn quá, một số hộ chăn nuôi đã phải "treo" chuồng, có hộ thì tìm cách tự giết mổ lợn đem ra chợ bán với hy vọng kiếm chút lãi dù biết sẽ thu hồi vốn chậm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi để bán 1-2 con lợn/ngày không phải dễ.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi không chỉ giá cám tăng phi mã, giá lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi còn phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi thường xuyên rình rập, hơn nữa việc giãn cách xã hội khiến hoạt động buôn bán, vận chuyển không thuận lợi. Nông dân rất mong các cơ quan chức năng sớm có những chính sách nhằm hạ thấp giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời giảm nhập khẩu thịt lợn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và cả Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mà Việt Nam nhập khẩu đến 90% thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.
Trong khi đó, ở đầu ra sản phẩm, giá lợn hơi xuất chuồng thời gian gần đây xuống thấp là do sau một thời gian bị tác động từ dịch tả lợn châu Phi, người dân đã tập trung tái đàn nên tổng đàn lợn đã tăng trở lại, phục hồi gần bằng thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi. Hơn nữa, việc thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm và lưu thông gặp khó khăn.
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn hơi xuất chuồng giảm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; trong đó nguồn con giống nhập về nuôi phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin và vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín để giảm các chi phí trung gian; tăng cường đối tượng vật nuôi như gia súc ăn cỏ, gia cầm để có thể sử dụng tốt nguồn thức ăn trong nước như cỏ, phụ phẩm trồng trọt, giảm phụ thuộc vào thức ăn tổng hợp. Ngành cũng khuyến cáo người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cần cân nhắc khi tái đàn vào thời điểm này.
Bài, ảnh: Hà Phương