Được biết, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp, các ngành, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Gia Hòa đã phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực.
Bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật... nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị đất canh tác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp an toàn còn thấp nên nhiều lao động nông nghiệp đã chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn.
Ông Phan Văn Minh, Giám đốc HTX nông nghiệp Thống Nhất (xã Gia Hòa) cho hay: Năng suất, chất lượng sản xuất lúa trong những năm gần đây có xu hướng chững lại, giảm nhẹ do tiềm năng của đất, của giống có giới hạn, giá lúa thương phẩm thấp, chưa có nhiều sản phẩm lúa an toàn, chất lượng cao, đặc biệt là lúa sạch được sản xuất theo hướng hữu cơ chưa nhiều, trong khi chi phí sản xuất lúa ngày càng tăng, thiếu lao động, chất lượng sản phẩm thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường, sự xói mòn của đất do sử dụng tràn lan phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Khi triển khai xây dựng "Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ" trên xứ đồng Niệm - vùng đồng đất chuyên sản xuất 2 vụ lúa tại HTX, đã có 26 hộ tham gia hưởng ứng.
Trước vụ, các đơn vị tham gia thực hiện "Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ" tiến hành khảo sát tình hình thực tế về quy mô, nguồn vốn, nhân lực, khả năng đối ứng, chọn địa điểm đảm bảo đủ điều kiện về diện tích (5 ha), chất lượng đất, tiêu chuẩn nguồn nước tưới tiêu và được quy hoạch vùng sản xuất tham gia thực hiện mô hình.
Tổ chức hội nghị tuyên truyền, thăm quan mô hình áp dụng cơ giới hóa mạ khay, cấy máy và sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ cho cán bộ quản lý các HTX nông nghiệp và thành viên tham gia mô hình.
Cùng với đó, các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (bao gồm giống, phân bón hữu cơ, mạ khay, công cấy bằng máy, thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học), sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, các hộ nông dân được hướng dẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Thường trực Tỉnh đoàn thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo thực hiện mô hình, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn, Chi cục Bảo vệ thực vật, đại diện UBND xã Gia Hòa, HTX Nông nghiệp Thống Nhất và các đơn vị có liên quan tham gia kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, nội dung, tiến độ, chất lượng của mô hình.
Trung tuần tháng 10, các thành viên tham gia mô hình đã tổ chức hội nghị và có chung nhận định: Quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ cho thấy khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn, nhất là bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột đỡ cắn phá hơn so với gieo vãi truyền thống. Mô hình không sử dụng thuốc trừ bệnh nên cũng đã giảm được chi phí sản xuất. Giống lúa chất lượng cao Đài thơm của mô hình cũng cho năng suất 45 tạ/ha, khá cao so với năng suất lúa bình quân trên địa bàn.
Nhận xét về "Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ" tại địa phương, đồng chí Đinh Trọng Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa cho biết: Đây là giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, sức lao động, cũng như bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Thành công của mô hình sẽ góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao, cải tạo đất, thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đồng chí Trần Văn Bách, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho hay: Xây dựng "Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ" góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo nhu cầu sản phẩm sạch, cũng như giá trị thu nhập trên diện tích canh tác. Việc triển khai mô hình sản xuất lúa hướng hữu cơ tại HTX nông nghiệp Thống Nhất không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Người dân sẽ thu được kết quả, sản xuất nông sản sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo giá trị hàng hóa cao, góp phần bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, môi trường bền vững. Đây cũng là hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững mà tỉnh Ninh Bình đang hướng tới.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh