Năm 2003, Gia Hòa được tỉnh đầu tư kinh phí, xã trích hỗ trợ 1 phần mở các lớp nuôi trồng thủy sản cho nhân dân và tiến hành chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa diện tích lúa kém hiệu quả chỉ cấy được 1 vụ sang phương thức 1 vụ lúa, 1 vụ cá. Phương thức này không chỉ là giải pháp khắc phục khó khăn về địa hình mà Đảng ủy, UBND xã còn coi đây là giải pháp ngăn chặn việc khai thác thủy sản bằng kích điện, giã điện làm hủy diệt môi trường sống của thủy sản, làm mất cân bằng sinh thái.
Hiệu quả của mô hình đã tạo thành phong trào dồn điển đổi thửa, đầu tư vốn, giống vào nuôi trồng thủy sản trên ruộng trũng để phát triển kinh tế gia đình. Tổng diện tích được chuyển đổi trong toàn xã lên tới 180ha. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích ruộng chỉ cấy được 1 vụ lúa đã được chuyển đổi sang 1 vụ lúa, 1 vụ cá hoặc nuôi trồng thủy sản xen canh.
Một mô hình kinh tế điển hình ở xã Gia Hòa là mô hình nuôi thả thủy sản của anh Nguyễn Văn Dương. Cách đây 4 năm, nhờ cơ chế chuyển đổi ruộng trũng cấy một vụ lúa sang nuôi trồng thủy sản, giờ đây anh đã hình thành trang trại chăn nuôi khép kín. Dù còn trẻ nhưng có chí làm giàu từ vùng đất nghèo khó, anh Dương quyết tâm học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, đầu tư giống vốn xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Đến thăm mô hình, ông Bùi Quang Trấn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa cho biết: Thời điểm này vài năm trước, toàn bộ khu trang trại của gia đình anh Dương thu hoạch xong vụ lúa đông xuân là bỏ ruộng hoang vì trũng, không cấy được vụ mùa. Nơi ruộng bỏ trống lại là địa điểm để người dân có thể khai thác thủy sản bừa bãi, phương tiện khai thác chủ yếu là kích điện. Có những ngày cao điểm, nhất là sau những trận mưa lớn, nước ngập sâu thì rất đông người ra đồng kích cá. Số diện tích ruộng trũng như thế này thì toàn xã có tới gần 200ha.
Ông Bùi Quang Trấn cho biết thêm: Ngoài ra, xã có hơn 100ha mặt nước đầm, hồ cũng được tiến hành đầu thầu, giao khoán cho nhân dân sử dụng, khai thác. Những ao, ruộng trũng được khoán quản, có chủ bảo vệ, trông coi, người đấu thầu thấy rõ hiệu quả, do vậy việc đánh bắt thủy sản trên địa bàn giảm đáng kể. Những năm trước đây, hầu như cánh đồng nào cũng có người dùng kích điện để khai thác thủy sản, có đợt kiểm tra, xã xử lý vài chục vụ. Năm 2008, qua tuần tra, kiểm soát, Gia Hòa phát hiện và xử lý 15 trường hợp, từ đầu năm 2009 đến nay mới phát hiện và xử lý 3 trường hợp dùng kích điện khai thác cá, tôm, cua....
Bên cạnh giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xã Gia Hòa cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các hộ dân cam kết không tham gia khai thác thủy sản bằng các dụng cụ cấm, đưa nội dung của chỉ thị vào "hương ước, quy ước" trong thôn, xóm, hướng dẫn người dân chuyển đổi ngành nghề để tăng thu nhập. Đồng thời xã cũng tăng cường các biện pháp mạnh là thường xuyên tuần tra, kiểm tra việc khai thác thủy sản trên địa bàn.
Ông Đinh Trọng Phú, Trưởng công an xã Gia Hòa cho biết: trước đây tình hình khai thác thủy sản diễn ra khá phức tạp, mỗi ngày có tới hàng chục trường hợp vi phạm, sử dụng dụng cụ, phương tiện cấm để khai thác thủy sản. Công tác kiểm tra, kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn, có đợt lực lượng công an phải mặc áo mưa để tránh sự phát hiện của các đối tượng, hoặc hóa trang giống người đi kích mới có thể thu giữ tang vật và xử lý.
Được giao nhiệm vụ là lực lượng chính trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng công an xã đã tham cho chính quyền tiến hành kiểm tra hộ trên địa bàn có sử dụng kích điện, vận động cam kết không vi phạm Chỉ thị số 01 Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường thực hiện biện pháp mạnh, xử lý nghiêm minh các trường hợp khai thác thủy sản theo phương thức hủy diệt.
Với các giải pháp cụ thể, thuận lợi như học tập, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý cho hộ gia đình, nhóm hộ dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, xã Gia Hòa đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đẩy lùi và chặn đứng vấn nạn sử dụng kích điện, giã điện, xung điện khai thác thủy sản trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn