Ngày 21/2/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Chỉ thị khẳng định: "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng ta xác định vai trò của gia đình trong thời kỳ mới và nhấn mạnh: "Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Tại Đại hội XI, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh: "Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội".
Quán triệt các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về gia đình, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác gia đình. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, trong đó chú trọng tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục về bình đẳng giới; tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc...Việc tổ chức các ngày lễ, ngày kỷ niệm có liên quan đến công tác gia đình như: Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, có ý nghĩa xã hội to lớn. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác gia đình cũng còn những mặt hạn chế, bất cập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những tác động tích cực, ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Iternet... đã đặt ra những thách thức mới đó là nền tảng gia đình Việt Nam truyền thống phần nào bị mai một. Nhiều người trong lớp trẻ ngày nay không còn giữ được đạo lý truyền thống, chạy theo lối sống ích kỷ, đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Tình trạng bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại vẫn còn diễn ra. Tệ nạn cờ bạc, rượu chè, mại dâm... đã và đang xâm nhập vào các gia đình; tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội...
Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình. Các cơ quan, đoàn thể, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng nhằm giải quyết những thách thức, khó khăn trong công tác gia đình; tăng cường hoạt động truyền thông về gia đình, trong đó ưu tiên các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, đến hộ gia đình, giáo dục các thành viên trong gia đình về tình yêu đất nước, đức hy sinh, lòng vị tha và nhân ái, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tổ chức tốt các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc, ngày Gia đình Việt Nam, trong đó có các hoạt động biểu dương, tôn vinh các gia đình tiêu biểu, dòng họ tiêu biểu; phát động phong trào hưởng ứng thực hiện "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương". Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức các loại hình hoạt động can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình ở cơ sở.
Minh Châu