Tại điểm tiêm Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình), ngay trong ngày tiêm đầu tiên đã có 200 học sinh đến tiêm chủng đầy đủ. Chị Lê Thị Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bích Đào cho biết: Đợt tiêm này, Trường có 1.165 học sinh, theo quy định chỉ bố trí tiêm 200 học sinh/buổi nên việc tổ chức tiêm được bố trí trong 6 ngày. Để phục vụ thuận lợi nhu cầu tiêm chủng của học sinh, nhà trường đã phối hợp với Trạm Y tế phường chuẩn bị khu vực tiêm chủng gồm 4 phòng: đón tiếp, phân loại, tiêm, chờ sau tiêm. Cùng với 7 cán bộ, nhân viên y tế của Trạm, nhà trường đã phân công 2 giáo viên cùng tham gia phục vụ quá trình tiêm chủng nên các khâu từ đón tiếp, khám phân loại... đến chờ sau tiêm, cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng... được triển khai đầy đủ.
Qua công tác tuyên truyền của Trạm Y tế và nhà trường, nhiều phụ huynh đã nắm bắt được thông tin để đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ. Qua trao đổi với chị Đinh Thị Thúy, phụ huynh của học sinh Đỗ Thị Yến Nhi, lớp 1C được biết: Trước ngày tiêm chủng 5 ngày, cháu nhà tôi đã cầm giấy mời về nên bố mẹ ở nhà đã nắm bắt được thông tin, đọc và điền đầy đủ thông tin về sức khỏe của con vào phiếu tiêm chủng. Mặc dù ngày tiêm tổ chức đúng vào ngày đi làm bình thường nhưng tôi đã xin nghỉ làm để đưa con đến tiêm. Do quy trình tiêm chủng thực hiện 1 chiều, thuận lợi nên việc tiêm chủng cho con diễn ra không mất nhiều thời gian...
Đối với thành phố Ninh Bình, đợt 2 của chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella đã có 9.204/9.789 trường hợp trẻ từ 6-10 tuổi đã tiêm, đạt tỷ lệ 94%. Toàn thành phố có 527 trường hợp hoãn tiêm, 22 trường hợp chống chỉ định, 35 trường hợp không đến tiêm. Đối với các trường hợp không đến tiêm và hoãn tiêm, các nhà trường phối hợp với Trạm Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đợt tiêm vét tiếp theo các gia đình sẽ quan tâm đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ.
Do đợt 2 của chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tập trung ở đối tượng trẻ học tiểu học nên sự phối hợp giữa hai ngành Y tế và Giáo dục là hết sức quan trọng. Đặc biệt, do đợt tiêm chủng lần này hầu hết các điểm tiêm được tổ chức tại các trường học nên việc chuẩn bị cơ sở vật chất được quan tâm sát sao. Các điểm tiêm đều được tổ chức theo quy định của Bộ Y tế, nhân lực, có đầy đủ trang thiết bị, vắc xin, vật tư, dây truyền lạnh phục vụ chiến dịch. Nhân lực phục vụ tiêm chủng được bố trí đầy đủ, đảm bảo cả về số lượng và trình độ chuyên môn, có sự phối hợp của các cộng tác viên và các ban ngành khác, đặc biệt là sự phối hợp giữa trạm y tế và giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế học đường. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh. Các đơn vị đã quan tâm đến công tác tuyên truyền trực quan như: treo panô, áp phích, biểu ngữ, phát bài trên loa truyền thông tại các điểm tiêm.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo tỉnh, tại các điểm tiêm đã thực hiện tốt công tác khám sàng lọc, tổ chức tốt công tác cấp cứu xử lý các phản ứng sau tiêm chủng nên không có tai biến nặng xảy ra. Kết quả chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella đợt 2 tính đến hết ngày 20-12-2014, toàn tỉnh có 65.909/67.840 trường hợp trẻ từ 6 - 10 tuổi đến tiêm, đạt tỷ lệ 97,1%. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đạt cao là: Nho Quan đạt 98,3%, Hoa Lư đạt 98% và Kim Sơn đạt 98,8%.
Sau đợt 2 của chiến dịch, toàn tỉnh vẫn còn 179 trường hợp không đến tiêm, 1.631 trường hợp hoãn tiêm. Ngoài nguyên nhân do công tác truyền thông tại một số điểm tiêm còn hạn chế, công tác tư vấn trước và sau tiêm chưa đạt yêu cầu, còn xảy ra trường hợp có 41 trẻ có phản ứng sau tiêm với các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, rét run, tức ngực, khó thở, trong đó có 25 trường hợp tại một điểm tiêm là do phản ứng dây chuyền... Chính vì vậy, để đợt tiêm vét tổ chức trong tháng 1-2015 và đợt 3 của chiến dịch tổ chức trong tháng 2-2015 đối với đối tượng trẻ học THCS ở độ tuổi từ 10 - 14 tuổi đạt kết quả cao, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình để các bậc phụ huynh hiểu và đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh cho trẻ. Bên cạnh đó, công tác tư vấn trước và sau tiêm của đội ngũ cán bộ y tế tại các điểm tiêm cần được chú trọng, hạn chế tình trạng trẻ có tâm lý sợ hãi, từ chối tiêm hoặc xảy ra phản ứng dây chuyền.
Bài, ảnh: Bùi Diệu