Gần 2 năm qua, chương trình đã được triển khai mạnh trên khắp các địa phương của tỉnh, không chỉ ở 25 xã được chọn làm trước, mà còn diễn ra theo đúng tiến độ ở cả những xã còn lại (95 xã). Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản... đều vào cuộc.
Đến nhiều thôn, xóm mới thấy khí thế và không khí của chương trình XDNTM: Nhân dân hiến đất, kè đường, đổ bê tông, làm rãnh thoát nước, chỉnh trang, mở mang đường giao thông thôn xóm, nhà cửa, vườn ao, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm... với tinh thần tự nguyện, tự giác, đóng góp tiền của, hăng hái, tích cực tham gia lao động góp công, góp sức.
Điển hình của phong trào này là các xã: Khánh Thành (Yên Khánh), Yên Thắng (Yên Mô), Ninh Vân (Hoa Lư), Gia Phương (Gia Viễn), Yên Quang (Nho Quan)... Để có được phong trào như vậy là cả một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành; công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền... được triển khai đồng bộ.
Khi mới bước vào thực hiện chương trình XDNTM, lúc đó chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo XDNTM Trung ương nên nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở và người dân nông thôn còn rất mơ hồ, lúng túng, coi XDNTM là nhà nước đem tiền của về xây dựng cho quê hương mình, hay XDNTM chỉ là làm đường giao thông, xây trụ sở xã, thôn, xóm, trạm, trại.
Mặt khác, các địa phương còn cứ loay hoay đi tìm và xây dựng Bộ tiêu chí cho riêng mình. Quy hoạch XDNTM, nhất là quy hoạch về sản xuất, phát triển kinh tế... gần như không có, hoặc lỗi thời, bất cập, không phù hợp.
Nhưng với quyết tâm chung của toàn tỉnh, các cấp, các ngành, đến nay đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, phát hiện ra những vấn đề bất cập, như: Bộ tiêu chí chỉ là chỗ dựa để hướng đến mục đích cuối cùng của chương trình là nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân; các tiêu chí về kinh tế: Thu nhập, cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo... giữ vị trí quan trọng trong chương trình; xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, trường, trạm, trại, kênh mương) là điều kiện tiền đề cho chương trình.
Đạt được tiêu chí rồi đã khó, duy trì và phát triển tiêu chí đó lại còn khó hơn. Lợi ích của người dân là động lực cho chương trình và sự tham gia của cộng đồng dân cư là bí quyết của thành công.
Chương trình XDNTM là chương trình lâu dài với nhiều khó khăn, phức tạp nên không được nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn mà làm đến đâu chắc đến đó. Việc nào thiết yếu, cấp thiết làm trước, quy mô công trình, công việc phù hợp và sát với nguồn vốn; huy động được mọi nguồn lực, nguồn vốn tham gia XDNTM, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, huy động sự đóng góp của nhân dân vừa với công trình và thực tế địa phương, khai thác tốt nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp đóng trong và ngoài địa bàn, tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ con em quê hương thành đạt đang làm ăn xa quê hương. Vấn đề này xã Đồng Hướng, Quang Thiện (Kim Sơn) đã làm khá tốt, khai thác được hàng tỷ đồng, một người có thể ủng hộ đến vài trăm triệu đồng.
Tổng hợp ý kiến phản ánh từ các địa phương, có những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp: Không nhất thiết phải mỗi xã có một chợ, vì thực tế nhiều chợ xây dựng quy mô to, đẹp nhưng lại không có người vào họp; quy hoạch, quy mô nghĩa trang nhân dân ở mỗi địa phương, hay cơ cấu lao động phi nông nghiệp, cách tính mức thu nhập... Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh đã tiếp thu, tổng hợp và báo cáo, kiến nghị lên Ban chỉ đạo Trung ương xem xét, sửa đổi.
Trường Sinh