Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình, tính đến tháng 6 năm 2018, Ninh Bình phát hiện 1.742 trường hợp nhiễm HIV còn sống. Điều đáng lo ngại là đối tượng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, từ đó đặt ra những vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng trong việc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ hóa người nhiễm HIV là tệ nạn tiêm chích ma túy, lây truyền HIV từ mẹ sang con, quan hệ tình dục không an toàn và điều đáng báo động hiện nay là tỷ lệ lây nhiễm do quan hệ tình dục có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng. Số lượng gái mại dâm gia tăng, tỷ lệ thanh niên nghiện ma túy và quan hệ tình dục không an toàn là những nguyên nhân chính làm gia tăng số người nhiễm HIV trên địa bàn.
Theo bác sĩ Ngô Thị Hồng, Trưởng khoa quản lý điều trị, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính trong lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25-40%. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên 100 bà mẹ mang thai có HIV (không được can thiệp) cho thấy 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn bú mẹ. Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36%. Như vậy, việc tiếp cận sớm các dịch vụ rất có ý nghĩa đối với các bà mẹ mang thai và đứa con mà họ đang mang trong bụng. Lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ nhằm phát hiện người mẹ đó có nhiễm HIV hay không. Nếu người mẹ có kết quả HIV dương tính, sẽ được can thiệp điều trị dự phòng sớm có thể ngăn được HIV lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai nhằm bảo đảm sức khỏe cho đứa con tương lai.
Nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình, thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ không còn trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018. Theo đó, Trung tâm thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV và xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm khẳng định, trả kết quả sớm cho PNMT đến xét nghiệm HIV tự nguyện; xét nghiệm các mẫu nghi ngờ do các đơn vị chuyển gửi. Điều trị ARV càng sớm, càng tốt cho PNMT nhiễm HIV, trẻ phơi nhiễm HIV từ mẹ theo quy trình; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn, thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm, tổ chức các đợt truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tổ chức tuyên truyền, quảng bá các lợi ích và địa điểm cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bên cạnh đó, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông về Tháng cao điểm; tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, PNMT, phụ nữ nhiễm HIV bằng các hình thức phù hợp. Nội dung tuyên truyền như: Lợi ích của việc xét nghiệm sớm HIV cho PNMT; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; điều trị sớm bằng thuốc kháng vi rút HIV dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin…
Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh lồng ghép thực hiện tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV đối với bà mẹ mang thai đi khám thai lần đầu vào các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản; tư vấn về lợi ích của việc chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sau sinh và các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho PNMT nhiễm HIV và trẻ sau sinh… Các Trung tâm Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tham mưu cho UBND huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động tháng cao điểm tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Công tác tư vấn xét nghiệm HIV và theo dõi, chăm sóc thai sản cho PNMT được thực hiện ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ tại trạm y tế. ở tỉnh Ninh Bình, được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV, việc lấy máu xét nghiệm được thực hiện ngay tại các Trạm Y tế. Nhờ vậy, giúp các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm để có biện pháp dự phòng kịp thời. Hàng năm, số PNMT xét nghiệm HIV gia tăng rõ rệt. 6 tháng đầu năm 2018 đã có 7.500 người, đạt 75% so với kế hoạch phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV.
Theo thống kê tại tỉnh Ninh Bình, từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 17 bà mẹ nhiễm HIV có thai, trong đó 16 bà mẹ được điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con đúng quy trình, sau sinh con xét nghiệm HIV âm tính; còn 1 bà mẹ không điều trị, xét nghiệm trẻ HIV dương tính. Như vậy cho thấy, việc điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con đúng quy trình là vô cùng cần thiết.
Từ kết quả tích cực trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vừa qua, thời gian tới, ngành Y tế chỉ đạo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục áp dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền khác nhau phù hợp với từng địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các cơ sở y tế cũng sẽ thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm PNMT nhiễm HIV, chăm sóc và cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng cho PNMT nhiễm HIV. Đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV liên tục, kịp thời để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không để xảy ra tình trạng không có thuốc ARV cho dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…
Hạnh Chi