Hàng trăm cán bộ hòa giải viên ở các tỉnh, thành phố đã không quản ngại đường sá xa xôi, nô nức về tham dự Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ III khu vực miền Bắc. Chị Mai Thục - Đội trưởng Đội tuyển hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Thọ cho biết: Được đại diện cho tỉnh Phú Thọ tham gia hội thi lần này tại Ninh Bình, tôi và anh em trong đội rất phấn khởi, cố gắng thi với tinh thần cao nhất.
Trước khi tham gia hội thi, đội chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều thông tin, kiến thức để có thể thực hiện các phần thi một cách tốt nhất. Tham gia cuộc đua tài này, chúng tôi coi đây là cơ hội giao lưu, học hỏi để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Và chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác hòa giải ở cơ sở.
Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ III khu vực miền Bắc được Bộ Tư pháp phối hợp với tỉnh Ninh Bình tổ chức trong 3 ngày từ 22 đến 24-9, với sự tham gia của 26 đội tuyển (mỗi đội tuyển có 12 thành viên) thuộc 26 tỉnh khu vực miền Bắc. Các đội trải qua 4 phần thi là: Phần thi chào hỏi, phần thi lý thuyết, phần thi xử lý tình huống và tiểu phẩm.
Qua phần thi chào hỏi, chỉ qua 5 phút vừa chuẩn bị, vừa trình bày nhưng các đội dự thi đã giới thiệu cung cấp những nét đặc trưng cơ bản về đặc điểm, tình hình kinh tế-xã hội, những địa danh thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, phong tục tập quán truyền thống và giới thiệu về công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương mình qua những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng. Mỗi đội tuyển có một màu sắc riêng, tạo nên những ấn tượng ban đầu khó quên cho Ban giám khảo và khán giả.
Với phần thi lý thuyết, các thí sinh đã thuyết phục và tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với Ban giám khảo cũng như đông đảo khán giả đến cổ vũ hội thi bởi sự am hiểu pháp luật qua việc trả lời xuất sắc các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận của Ban tổ chức đưa ra liên quan đến Luật Hòa giải cơ sở; Luật Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...
Trong phần thi xử lý tình huống, các hòa giải viên đã thể hiện trình độ, kinh nghiệm hòa giải của mình trong công tác hòa giải ở cơ sở; đặc biệt là việc vận dụng những kiến thức pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân ta kết hợp với kỹ năng hòa giải để nhận định và xử lý các vấn đề phát sinh trong cộng đồng dân cư, những khúc mắc, tranh chấp trong nhân dân.
Hấp dẫn hơn cả vẫn là phần thi tiểu phẩm, các đội tuyển đã xây dựng những tiểu phẩm có nội dung rất thực tế, sinh động, có nội dung thiết thực, đậm tính nhân văn với hình thức thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, phù hợp với từng địa phương.
Đặc biệt, cách giải quyết vấn đề trong các tiểu phẩm khá linh hoạt, chủ yếu bằng phương diện tình cảm chứ không mang tính quyền lực, áp đặt nên đã được các bên liên quan chấp thuận.
Đây là yếu tố quan trọng nhất, thể hiện bản chất của công tác hòa giải, đã được các đội tuyển thể hiện thành công. Tiêu biểu có thể kể đến các tiểu phẩm như: "Của hồi môn" của đoàn tuyển Quảng Ninh, "Đừng đùa" của đội tuyển Thái Bình, "Hợp lý thế" của đội tuyển Ninh Bình, "ý tôi cũng giống ý bà" của đội tuyển Hưng Yên, "Tiền mất tật mang" của đội Phú Thọ... Qua các phần thi, cuộc sống đời thường đã được các đội phản ánh trên sân khấu thật giản dị nhưng có sức thuyết phục cao.
Chị Vũ Thanh Hải - Đội tuyển dự thi của tỉnh Ninh Bình cho biết: Tôi rất phấn khởi khi tham gia hội thi, tôi thấy các đội tuyển đều có sự đầu tư rất công phu để dàn dựng những tiểu phẩm bằng hình thức sân khấu hóa, thể hiện sự linh hoạt, khéo léo, thông minh trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động, hòa giải thành công các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, qua đó làm tăng thêm sự phong phú và hấp dẫn của hội thi.
Tôi cũng như anh em trong đội đã học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng rất bổ ích từ hội thi này để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để hoàn thành các phần thi và rất hài lòng về kết quả đạt được.
Đồng chí Nguyễn Hùng Tiến, TUV, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi khẳng định: Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở sẽ là một trong những điều kiện đảm bảo ổn định xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 8.400 hòa giải viên, trong những năm qua, công tác hòa giải cơ sở ở Ninh Bình đã có những bước phát triển mới, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, góp phần giảm số lượng vụ, việc phải chuyển đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ nhân dân, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận, ổn định, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Đánh giá về hội thi, đồng chí Nguyễn Hùng Tiến cho biết: Chất lượng của Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ III khu vực miền Bắc có chất lượng khá cao.
Các đội tuyển có sự đồng đều về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; có sự cạnh tranh với nhau để tăng thêm sự hấp dẫn của hội thi. Hội thi lần này đã tạo điều kiện cho các hòa giải viên có dịp giao lưu, gặp gỡ để học hỏi lẫn nhau, từ đó phát huy tốt vai trò của mình trong cộng đồng dân cư.
Từ sự thành công của hội thi một lần nữa khẳng định ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải trong cuộc sống hiện nay. Hội thi "Hòa giải viên giỏi" đã thực sự đem lại những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về con người và tình người trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ thực tế cuộc sống hàng ngày, xây đắp tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội tuyển thành phố Hải Phòng; giải nhì cho đội tuyển tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội; giải ba cho đội tuyển tỉnh Sơn La và Bắc Giang.
Kiều Ân