Tại buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện Kim Sơn với bí thư chi đoàn xóm phố, các trường học, bí thư đoàn các xã, thị trấn vừa được tổ chức, chúng tôi nhận thấy không khí buổi đối thoại khá sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở.
Đồng chí Hà Văn Dũng, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Bình Minh cho biết: Được đại diện cho hàng trăm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Bình Minh, tại buổi đối thoại trực tiếp, tôi đã có những ý kiến đề xuất về vấn đề tạo điều kiện cho ĐVTN được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, được dạy nghề phù hợp và giải quyết việc làm, cụ thể là huyện Kim Sơn nên có chính sách ưu đãi thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, giải quyết việc làm cho nhân dân nói chung, cho ĐVTN nói riêng.
Cùng chung kiến nghị về vấn đề giải quyết việc làm cho ĐVTN sau đào tạo, đồng chí Phạm Thị Thúy Nga, Bí thư Đoàn Trường THPT Kim Sơn A cho rằng, huyện Kim Sơn nên có kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế-xã hội đi cùng với nhu cầu lao động để các nhà trường và ĐVTN trong nhà trường nắm bắt, chủ động đào tạo, theo học, có động cơ phấn đấu sát với nhu cầu thực tế, giảm tình trạng thất nghiệp, thừa lao động như hiện nay… Đồng thời quan tâm hơn đến công tác phát triển đảng viên trong các nhà trường, bởi hiện nay nhiều ĐVTN có động cơ phấn đấu tốt, đủ tiêu chuẩn được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng thiếu điều kiện về độ tuổi, do đó sau khi rời ghế nhà trường rất cần được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ đối tượng này hoàn thành tâm nguyện được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, tại buổi đối thoại đã có gần 20 ý kiến của đại diện ĐVTN trong huyện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực hiện nay, như vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng lao động sau khi được đào tạo nghề; việc tạo điều kiện cho ĐVTN được tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình; công tác dạy nghề cho thanh niên nông thôn; việc tạo điều kiện cho thanh niên triển khai các phong trào tình nguyện… Đồng thời, đại diện thanh niên trên địa bàn huyện cũng có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về những kinh nghiệm, cách làm hay ở cơ sở, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ và cả những chất vấn trực tiếp dành cho các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện. Nhiều đồng chí Bí thư Đoàn cơ sở cũng bày tỏ mong muốn các cấp ủy Đảng cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt ở cơ sở, cụ thể là làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy và quy hoạch, luân chuyển cán bộ Đoàn đã quá tuổi theo Điều lệ Đoàn. Hay vấn đề kinh phí ngân sách cấp hàng năm cho Đoàn các xã còn thấp, các thiết chế, khu vui chơi giải trí dành cho thanh, thiếu nhi còn ít… là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút, tập hợp thanh niên cũng như chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi… Các ý kiến, đề xuất của đại diện ĐVTN đã được các đồng chí lãnh đạo huyện trả lời, giải đáp thẳng thắn, nghiêm túc. Một số vấn đề ĐVTN nêu, không thuộc thẩm quyền của cấp huyện, được Thường thực Huyện ủy giao cho các ngành tổng hợp để báo cáo các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, giải đáp.
Đồng chí Đỗ Hùng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn khẳng định, việc tổ chức đối thoại giữa thanh niên với các đồng chí lãnh đạo huyện có ý nghĩa rất lớn, giúp cho cấp ủy Đảng gần gũithanh niên hơn và thanh niên gần gũivới Đảng hơn. Đó cũng chính là việc làm thiết thực thực hiện Nghị quyết 25-NQ/T.Ư ngày 27-5-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về"Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH". Ghi nhận vai trò của thanh niên huyện Kim Sơn trong những năm qua đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của đội ngũ cán bộ đoàn ở cơ sở và công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi trong huyện; mong rằng thời gian tới, các cấp bộ đoàn, ĐVTN hăng hái, tích cực hơn nữa tham gia vào những việc lớn của địa phương, đơn vị mình, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Có thể nói, hoạt động đối thoại trực tiếp với các tầng lớp nhân dân được huyện Kim Sơn tổ chức nhiều năm nay cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhân dân tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia cùng cấp ủy, chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, góp phần củng cố lòng tin của dân với Đảng, chính quyền, từ đó tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hôi trên địa bàn. Đặc biệt, việc đối thoại giữa lãnh đạo huyện Kim Sơn với Bí thư chi đoàn xóm, phố, các trường học; bí thư đoàn các xã, thị trấn vừa qua đã giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh từ cơ sở, như chế độ, chính sách, vấn đề vệ sinh môi trường, văn hóa văn nghệ-TDTT, việc làm, phát triển kinh tế, y tế, sức khỏe, phong trào tình nguyện...
Mỹ Hạnh