Ninh Bình có hệ thống giao thông thủy bộ rất thuận lợi và phát triển, là cửa ngõ lưu thông vận chuyển buôn bán lâm đặc sản rừng giữa các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh biên giới phía Bắc. Do vậy, tình trạng buôn bán, vận chuyển gỗ lậu, động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp.
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn phải đối mặt với nhiều thủ đoạn đoạn tinh vi và xảo quyệt của những kẻ buôn bán, vận chuyển gỗ lậu, động vật hoang dã, chúng dùng mọi thủ đoạn nhằm qua mặt các lực lượng chức năng, như dùng xe đặc chủng, xe hai đáy, hai thành, hai mui… để vận chuyển lâm đặc sản rừng trái phép; dùng xe và chướng ngại vật để cản đường truy đuổi của lực lượng thừa hành công vụ khi bị phát hiện, thậm chí chúng còn hăm dọa, chống trả quyết liệt gây thương tích cho lực lượng kiểm lâm. Ngoài ra chúng còn lợi dụng giấy tờ giả, thông đồng móc nối để hợp pháp hóa giấy tờ, quay vòng hóa đơn nhiều lần.
Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 1993 đến nay, Đội đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý lâm sản, truy cứu trách nhiệm hình sự gần 60 vụ, tịch thu trên 5.000 m3 gỗ các loại, trên 90 tấn động vật hoang dã và nhiều loại lâm đặc sản khác, nộp ngân sách trên 35 tỷ đồng. Đồng thời, bàn giao cho các đơn vị chăm sóc cứu hộ và tổ chức thả lại rừng hàng nghìn cá thể động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm như Gấu ngựa, Mèo rừng, Rắn Hổ mang chúa… Có thể kể đến một số vụ điển hình, đó là vụ vận chuyển trái phép 172 cá thể Tê tê (720 kg) của đương sự Nguyễn Thế Hùng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; vụ vận chuyển trái phép 10 m3 gỗ quý hiếm của đương sự Trần Song Toàn, trú tại An Khê (Gia Lai), vụ vận chuyển gần 3,7 m3 gỗ Cẩm Lai của đương sự Đặng Tiến Sỹ ở thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) (2010); vụ vận chuyển gần 300 cá thể chim Le Le của đương sự Nguyễn Đình Hải, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) (2011); vụ vận chuyển trên 1.000 cá thể tắc kè của đương sự Đoàn Tòng Huấn, trú tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) (2012). Đặc biệt, Đội đã phối hợp với lực lượng chức năng khởi tố về tội vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài quý hiếm đối với đương sự Nguyễn Ngọc Bài, phường Nam Ngạn (thành phố Thanh Hóa) về hành vi vận chuyển trái phép 02 cá thể hổ ướp lạnh (kg) và 05 kg xương báo (năm 2012).
Hiệu quả công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng của Đội Kiểm lâm cơ động đã góp phần không nhỏ bảo vệ rừng tại gốc, hạn chế tình trạng chặt phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép đối với các tỉnh miền Nam và các địa phương vùng lân cận, tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo điều kiện mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn của đơn vị.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng đã chủ động phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm các huyện, thị xã có rừng tuần tra, kiểm tra tình hình hình bảo vệ rừng tại gốc, nhất là kiểm tra đôn đốc các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, tích cực tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh, cùng với Văn phòng Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Là một trong những đơn vị nòng cốt trong công tác ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình. Nhiều năm liền, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến; được UBND tỉnh Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng Bằng khen.
Đinh Chúc