Trên địa bàn huyện Hoa Lư hiện còn 7 Bà mẹ VNAH còn sống. Ông Phạm Văn Lợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, các Mẹ VNAH còn sống hiện không nhiều, và đa số các Mẹ tuổi đã cao, sức đã yếu. Bởi vậy, hơn bao giờ hết các Mẹ cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của cả cộng đồng.
Đối với những Mẹ VNAH trên địa bàn huyện, ngoài các đơn vị phụng dưỡng có trợ cấp hàng tháng, huyện cũng thường xuyên tới thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ. Đặc biệt, để các Mẹ được sống trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố, huyện đã huy động mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay, góp sức hỗ trợ các Mẹ xây mới và sửa chữa nhà ở. Tính riêng 5 năm trở lại đây, bằng nguồn xã hội hóa, huyện đã xây mới 3 nhà ở, sửa chữa 1 nhà ở cho 4 Bà mẹ VNAH.
Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, huyện vừa khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho Mẹ VNAH Phạm Thị ý ở xã Ninh Xuân… Ngoài ra, huyện cũng giao cho từng đoàn thể và trường học, chi hội phụ nữ các xã thường xuyên thăm hỏi, động viên các Mẹ, nhất là những lúc đau yếu. Hàng tháng, Trạm Y tế các xã, thị trấn phân công cán bộ đến thăm, khám sức khỏe định kỳ, phát thuốc cho các Mẹ.
Đặc biệt, các trường học còn thường xuyên tổ chức cho giáo viên, học sinh đến thăm các Bà mẹ VNAH trước ngày khai giảng năm học mới và dịp tổ chức các hoạt động lớn của nhà trường. Đây là cách để thế hệ trẻ bày tỏ lòng tri ân trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các Bà mẹ VNAH trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Tỉnh Ninh Bình có 1.216 mẹ đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 62 Mẹ còn sống. Trong phong trào chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể như phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Trần Quốc Toản", "áo lụa tặng bà", trong thanh, thiếu nhi có phong trào "Tấm chăn ấm lòng mẹ"; "Quà tặng Mẹ" của Hội phụ nữ; phong trào "Nhà tình nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm", "Phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH" của các đoàn thể, tổ chức với sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Các chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã được cụ thể hóa trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành… Những việc làm đó đã khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của nhân dân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, động viên những người có công tiếp tục phấn đấu vươn lên cống hiến cho xã hội. Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ VNAH đã được các địa phương, đơn vị hưởng ứng nhiệt tình.
Hiện nay, 100% Mẹ VNAH còn sống đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời với mức trợ cấp từ 300.000 đồng/tháng trở lên. Chất lượng phụng dưỡng ngày càng được nâng lên cả về biện pháp phối hợp và nội dung chăm sóc. Tuy còn nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức được trách nhiệm và vinh dự nên nhiều đơn vị đã tiết kiệm chi tiêu để phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH được chu đáo hơn.
Ngoài chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước, hàng tháng các Mẹ còn được các cơ quan phụng dưỡng theo mức quy định của Nhà nước, đồng thời tổ chức thăm hỏi và tặng quà khi các mẹ ốm đau và các ngày lễ, Tết… Mỗi cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng căn cứ vào điều kiện của cơ quan, đơn vị mình đã có cách làm hay, sáng tạo nhằm huy động sự tham gia của mọi cá nhân trong việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH như: thường xuyên thăm hỏi, động viên vật chất, tinh thần đối với Mẹ, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết; phối hợp với thân nhân của Bà mẹ và địa phương quan tâm đến điều kiện sinh hoạt của các Mẹ; tổ chức để các Mẹ cùng tham gia các chuyến tham quan, du lịch và các hoạt động văn hóa xã hội của cơ quan, đơn vị. Những nghĩa tình ấy đã kịp thời động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm vơi đi những nỗi đau để các Bà mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn.
Đào Hằng