Nghe tiếng gọi cổng, một người đàn ông trung niên ăn mặc giản dị, khuôn mặt xương, đôi mắt sáng ra đón khách. Đó là anh Bùi Xuân Thủy, chủ nhà, chủ trang trại hươu có tiếng ở bản Xanh.
Bán bò nuôi hươu
Câu chuyện ban đầu xã giao. Chỉ sau khi chúng tôi kể việc đọc tin trên mạng nói về trại hươu của anh mà lần mò tới, mắt ông chủ trại hươu mới sáng lên: "Thằng Bùi Mạnh Việt, con trai cả của tôi đấy. Nó đang học Đại học Kinh tế năm cuối, biết Tin học nên quảng cáo cho bố!". Câu chuyện bắt đầu cởi mở hơn.
Hóa ra việc nuôi hươu của anh Thủy lại bắt đầu từ thế bí của cuộc đời. Tốt nghiệp Khoa Kinh tế nông nghiệp Đại học Nông nghiệp, năm 1985 anh về làm nhân viên rồi trưởng phòng kinh doanh cho Liên doanh bò thịt Cuba. Năm 2000, liên doanh phá sản, anh phải "về hưu một cục, quay lại gốc nông dân". Ở bản khi đó có anh Lê Minh Tân nuôi hươu, dù quy mô nhỏ nhà vẫn khấm khá hơn các hộ thuần nông. Anh Thủy có bằng kỹ sư bèn tìm hiểu, đọc sách về hươu, tham quan bên Cúc Phương rồi bàn với vợ, chị Đinh Thị Phong - người dân tộc Mường. "Cũng gay cấn lắm, khi đột ngột quyết định bán hết 12 con bò, bỏ phắt việc cha ông, gia đình vẫn làm bao nhiêu năm. Hội phụ nữ ủng hộ vợ tôi cho vay thêm vốn. Cộng với tiền hưu và tiền tiết kiệm, tôi mua liền 10 con hươu giống từ khu Cúc Phương".
Ban đầu đàn hươu 10 con chỉ có hai con đực lấy nhung, sau ba năm đàn đã lên tới 40 con. Tôi bắt đầu thuê bốn nhân công lao động, mỗi ngày trả họ 40.000 đồng. Hai vợ chồng cứ kiên trì gây đàn lên ngay 70 con sau một năm nữa". Nay số hươu đực cho nhung duy trì ở lượng 30 con. Chúng tôi nhẩm tính: Mỗi năm một con hươu đực cho một cặp nhung. Nhung hươu thường bình quân 5 lạng, giá bán 1 lạng 1 triệu đồng, thì mỗi năm riêng nhung hươu bán cũng được 150 triệu đồng.
Đàn Hươu của gia đình anh Thủy.
Như đoán được ý khách, anh Thủy kể tiếp: "Đấy là chưa kể bán hươu con và bán thịt. Hươu con nuôi sáu tháng là có thể tách mẹ, bán giá 8 triệu đồng. Hươu thịt tôi đã từng bán cho ông Kolu, bếp trưởng ở khách sạn Metropole trên Hà Nội. Các quán ăn đặc sản khác tới mua, bán 100.000 đồng một cân hơi".
Anh tổng kết: "Năm ngoái tôi bán 21 cân nhung, các sản phẩm khác, giống và thịt được 100 triệu đồng nữa. Nói riêng cái nắp nhung (phần đế của nhung đã cắt qua một năm già đi xuân về mọc nhung thì bật ra), cứ 1 cân bán 2 triệu cho hiệu thuốc bắc từ tận Hà Nội về mua. Phi nắp nhung bất thành cao! Nó là một vị thuốc quý không thể thiếu cho mọi thứ cao. Đấy, trừ chi phí thuê mướn nhân công, hạch toán ra giờ đây cứ đều đều thu nhập 200 triệu đồng cho hai vợ chồng một năm".
Anh cho biết, hiện 15 gia đình trong xã lấy giống 74 con từ trại của anh, đưa tổng số hươu ở bản Xanh lên 150 con, những nhà nuôi hươu đều có miếng ăn miếng để, thậm chí nếu nuôi trên ba bốn cặp có thể nuôi con ăn học không "lăn tăn" gì!
Giấc mơ thương hiệu
Chúng tôi dạo quanh trại hươu và vườn. Những con hươu non quẩn bên mẹ. Thấy người lạ nhảy tưng tưng, trăm đốm trắng dập dờn nom thật đáng yêu. Anh Bùi Xuân Thủy nhẩn nha tiếp: "ở bản mình tôi giàu ra thì chưa hay. Bây giờ nếu nhiều người nuôi hươu sẽ nhiều nơi biết mà tìm tới. Lộc nhung bản Xanh có thương hiệu thì có thể phát triển đàn hươu lên hàng ngàn con vẫn không ế. Với lại nghề nuôi hươu cũng có vấn đề quanh việc nhân công khi hươu trái nắng trở trời. Nó là động vật còn đầy tập tính hoang dã. Cái thứ hươu này bình thường nhát và hiền khô, nhưng khi muốn chữa bệnh, cắt lộc phải cả bảy tám người thật khỏe mới giữ nổi, không cẩn thận là nó đá hậu nguy hiểm lắm" .
Cách bản Xanh 15 km là cổng vườn nguyên sinh Cúc Phương, nơi có Trung tâm nhân giống động vật hoang dã, dân ở đó nuôi hươu gần 30 năm nay vì thế họ đã tạo được thương hiệu. "Khi nào chúng tôi thành một lực lượng, có đàn hươu lớn để có một thương hiệu?". Anh Thủy trầm tư bộc bạch.
Nghĩ thấu đáo, anh Thủy quyết định vận động thành lập hiệp hội người nuôi hươu trong bản Xanh. Thành viên giờ đã có 15 gia đình tham gia. Hiệp hội giúp nhau kinh nghiệm chăm sóc hươu, tiêu thụ sản phẩm, khi cần nhân lực giúp cắt nhung, bắt hươu, bán hươu, vận chuyển tận nơi tiêu thụ, sự tương trợ giảm giá thuê nhân công ở các hộ neo đơn. Số hươu ở bản hiện lên 150 con, thành một lực lượng ban đầu có thanh thế. Anh Đào Sĩ Chờ, 40 tuổi, kể: "Ba năm trước tôi mua giống từ anh Thủy. Anh giúp tôi vốn, trả dần. Nay đàn hươu của tôi đã bốn con. Xưa nhà thuần nông làm gì có tiền dư, nuôi ba đứa con ăn học. Giờ cứ một năm bán hai cặp nhung 10 triệu đồng, đỡ băn khoăn hẳn".
Anh Thủy thẳng thắn: "Tôi cũng chẳng làm từ thiện, nhưng ai nghèo không có tiền vào hiệp hội tự phát này thì trước mắt mua hươu giống trại của tôi trả dần. Tôi cũng giúp họ đầu ra, bán nhung và các sản phẩm khác. Thế là ai cũng có lợi, mà cái lợi lâu dài là cả vùng nếu bảo ban nhau phát triển thành một đàn hươu bản Xanh".
Chuyện đang say thì có người tới mua nhung. Anh Thủy xin phép ra ngoài nhoáy nhoáy điện thoại gọi. Con đường rộng đi Hồ Đồng Chương yên tĩnh vắng teo bỗng ào ào tiếng xe máy to dần, rồi cả chục xe máy rầm rập từ đường qua cổng vào sân nhà. Hóa ra là anh em nông dân người hiệp hội, quần áo còn nguyên bùn đất đồng nương, nhắn tin nhau nhất loạt chạy về. Chà, nông dân nuôi hươu ai cũng có xe máy, điện thoại cầm tay! Nhờ thành viên hiệp hội tới giúp, chỉ sau nửa giờ công việc hoàn tất. Những người nông dân quây quần làm cơm, rửa tay, phủi chân ngồi xuống chiếu và rót rượu huyết hươu mời chúng tôi làm cuộc liên hoan rau dưa vườn nhà.
Bài, ảnh: Đức Trường