50 năm đã trôi qua nhưng ông Lê Văn Quyên sinh năm 1949, hiện ở phố Hàn Thuyên, phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình vẫn nhớ rõ thời điểm ông và đồng đội tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Ông Quyên kể: Khi đó ông thuộc quân số Tiểu đoàn 16 Phân khu 2 tỉnh Long An. Chiều 30 Tết, đơn vị được ăn Tết sớm; đến 19 giờ 30 phút toàn đơn vị nhận lệnh hành quân chiến đấu; nhiệm vụ chiến đấu được giữ bí mật hoàn toàn. Khoảng 4 giờ sáng thì đến thành phố, sau gần 1 giờ hành quân nữa thì ông nhìn thấy cổng chính Phi trường Tân Sơn Nhứt (sân bay Tân Sơn Nhất). Đơn vị dừng lại phát lệnh sẵn sàng chiến đấu, lúc đó ông mới biết nhiệm vụ của đơn vị mình là tấn công vào hướng cổng chính của sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong trận đánh đó, ông Quyên được giao nhiệm vụ giữ liên lạc với các đại đội trong Tiểu đoàn. Khắc sâu trong tâm trí ông là hình ảnh những đồng đội trẻ măng với ý chí quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược khỏi đất nước mình, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, không chùn bước trước làn đạn của kẻ thù. Có người dũng cảm một tay bám vào càng máy bay địch đang chuẩn bị cất cánh, một tay bóp cò súng nhả đạn tiêu diệt máy bay địch và rồi anh dũng hy sinh; có người bị thương vẫn gượng đứng lên chiến đấu với quân thù cho đến hơi thở cuối cùng... Trận đánh đó, cùng tham gia hành quân, chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 16 của ông Quyên có nhà thơ Lê Anh Xuân. Mãi sau này ông Quyên mới biết rằng chính những đồng đội của ông đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968 đó là hình mẫu của người chiến sĩ giải phóng quân được nhà thơ Lê Anh Xuân khắc họa trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam". Với chiến công trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều chiến công khác, Tiểu đoàn 16 của ông Quyên vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT; bản thân ông Quyên 4 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Nhập ngũ năm 1967, ông Trịnh Văn Viến, phố Nam Giang, thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan, khi đó 17 tuổi, thuộc quân số của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận Đường 9- bắc Quảng Trị cùng với một số đơn vị chủ lực khác, có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng cơ động của Mỹ-ngụy, tạo điều kiện cho các trọng điểm tiến công và nổi dậy, trực tiếp là Trị Thiên-Huế. Ông Trịnh Văn Viến nhớ lại: đơn vị của ông được lệnh vây lấn Tà Cơn. Tại mặt trận Đường 9 Khe Sanh có nhiều cứ điểm quan trọng, đặc biệt là tập đoàn cứ điểm Tà Cơn, trong đó có sân bay Tà Cơn được coi là trung tâm phòng ngự của khu vực Khe Sanh.
Tuổi đã cao nhưng ông Trịnh Văn Viến vẫn sống vui, sống khỏe và khi có điều kiện ông lại kể về những năm tháng khốc liệt của chiến tranh để thế hệ trẻ hiểu, biết và trân trọng những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha ông trong quá trình dựng nước, giữ nước.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo vây lấn, đánh gần, kết hợp các hình thức tác chiến của bộ binh với pháo binh tiêu hao sinh lực địch, bộ đội ta đã làm cho quân địch không ngóc đầu lên được; việc khống chế sân bay địch cũng phát huy tốt hiệu quả, địch không thể tiếp tế, cứu viện khiến tinh thần quân địch sa sút. Theo trí nhớ của ông Viến, trong 50 ngày đêm vây lấn, những trận chiến mà ông và đồng đội trải qua ở mặt trận này vô cùng khốc liệt. Địch dùng mọi lực lượng, vũ khí mà chúng có, trong đó dùng cả máy bay B52 để ném bom xuống trận địa hòng đẩy lùi quân ta, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh nhưng tinh thần bộ đội ta không hề nao núng. Đối với ông Viến, kỷ niệm không quên trong đời lính của ông chính là ở giai đoạn này. Sau khi nhiệm vụ vây lấn Tà Cơn của đơn vị ông được giao lại cho đơn vị khác, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 của ông Viến được giao nhiệm vụ đánh địch hành quân giải vây Tà Cơn từ phía Làng Cát. Đó là buổi sáng một ngày đầu tháng 4, đơn vị của ông với 10 tay súng vừa bố trí xong trận địa thì máy bay địch xuất hiện, ném bom quần thảo. Đến khoảng 15 giờ thì quân Mỹ xuất hiện. ở vị trí phục kích, ông Viến chờ cho chúng vào thật gần mới nổ súng. Trận đánh này ông Viến cùng đồng đội đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân địch, bản thân ông Viến đã tiêu diệt nhiều lính Mỹ. Ghi nhận chiến công đó, ông Viến đã được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3. Sau này ông còn lập nhiều thành tích khác và được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng…
Xuân Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Trường Thọ (sinh năm 1943, quê ở Bạch Cừ, Ninh Khang, Hoa Lư) thuộc quân số của Binh trạm 34, Đoàn 559 đóng tại khu vực A Sầu, A Lưới. Trong trí nhớ của ông Thọ, khoảng 20 ngày trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, nhánh phục vụ mặt trận Huế mà ông tham gia "vô cùng sôi động". Nhiệm vụ chính của ông Thọ và đơn vị lúc đó là tiếp nhận và phân phát "hàng"-súng, đạn… cho hậu cần miền. Địch dường như "đánh hơi" thấy hoạt động vận chuyển của ta nên chúng dùng máy bay, pháo tầm xa đánh phá rất ác liệt, có khi 10 xe hàng chỉ còn được 1 xe đến đích. Đơn vị của ông không phải đối mặt trực diện với bộ binh địch, nhưng thực tế phải chiến đấu rất ác liệt với máy bay, đạn pháo và biệt kích của địch để bảo đảm an toàn cho vũ khí, đạn dược… của ta. Ngoài ra còn đảm nhiệm việc vận chuyển thương binh về tuyến sau để điều trị. Với những đóng góp của mình trong những năm tháng ở chiến trường, ông Nguyễn Trường Thọ 3 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen và huân, huy chương kháng chiến.
Ông Quyên, ông Viến, ông Thọ là ba trong số nhiều tấm gương "Bộ đội Cụ Hồ" sáng ngời tinh thần dũng cảm chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc. Lớp lớp thế hệ mai sau sẽ luôn biết ơn, trân trọng những đóng góp ấy, để rồi ra sức phấn đấu rèn luyện, học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước tươi đẹp hơn.
Bài, ảnh: Xuân Trường