Những xác bom, khẩu pháo, tên lửa, những động cơ của máy bay, tàu không số… nằm im lìm trong không gian trưng bày của Bảo tàng đặc biệt ấy. Không cần một lời thuyết minh, những du khách đến tham quan vẫn cảm nhận được rất rõ sự khốc liệt của chiến tranh. "Mỗi một hiện vật được trưng bày ở đây đều gắn với những cuộc đời có thật, mang một câu chuyện có thật từ các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Hơn nữa, những hiện vật của chiến tranh ngày càng ít đi và rất có thể sẽ biến mất. Đó là lý do tôi và các cộng sự chạy đua cùng thời gian gần 20 năm qua để tìm kiếm, góp nhặt, sưu tầm những mảnh vỡ từ chiến tranh với mong muốn để lại cho hậu thế bằng chứng về một thời "hoa lửa" của những thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc" - ông Nguyễn Văn Tú, chủ nhân của Bảo tàng đặc biệt mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Dĩ nhiên, để sở hữu được số lượng lớn các hiện vật đó, ông Nguyễn Văn Tú và các cộng sự đã phải trải qua một hành trình dài, rất công phu, có sự giúp đỡ, chia sẻ thông tin nhiệt tình của những người cùng đam mê. Họ đến tận những nơi từng là chiến trường khốc liệt nhất như Quảng Trị, Tây Ninh… để tìm mua những vật chứng của cuộc chiến tranh. Những mảnh đất từng bị bom cày, đạn xới nay đã hồi sinh bằng một diện mạo mới, trù phú, tốt tươi.
Ông Nguyễn Văn Tú chia sẻ: Sưu tầm hiện vật thì không thể nóng vội được. Có những hiện vật chúng tôi phải đi lại nhiều năm, đàm phán rất nhiều lần mới mua được. Ví như động cơ chiếc máy bay của lính Mỹ này, để đưa được hiện vật về, chúng tôi đã đổi cho thôn vài chục vạn gạch để xây dựng lại nhà văn hóa.
Tuy vậy, hiểu ý nguyện và tâm huyết mà chúng tôi dành cho công tác sưu tầm, rất nhiều địa phương, nhất là các cựu chiến binh đã chủ động tìm đến chúng tôi, tặng lại những kỷ vật mà họ lưu giữ bao nhiêu năm qua…
Để minh chứng, ông Tú dẫn chúng tôi vào gian trưng bày các bộ quân phục thời chiến và những vật dụng gắn bó với cuộc đời chinh chiến của những người lính năm xưa. "Đây là chiếc áo của một thương binh, chúng tôi sưu tập được khi vào thăm chiến trường Quảng Trị. Trên chiếc áo quân phục đã cũ sờn, vẫn còn vết rách bởi viên đạn của quân thù. Người thương binh ấy nay đã già yếu rồi, ông muốn trao lại cho chúng tôi gìn giữ. Hay chiếc bi-đông nước này, nó đã từng "vào sinh ra tử" với người lính trẻ năm xưa.
Nay, người lính ấy đã tặng lại cho Bảo tàng với mong muốn được góp phần lưu giữ kỷ vật của chiến tranh cho các thế hệ sau… Còn nhiều lắm những câu chuyện xúc động trên con đường tìm kiếm, sưu tầm hiện vật của chiến tranh. Những món đồ này giờ không ai sản xuất nữa, vì thế mà thành ra hiếm, nhưng nó trở nên quý giá là bởi những giá trị lịch sử chứa đựng trong nó.
Bởi vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm nâng niu, gìn giữ và lan tỏa rộng rãi nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bảo tàng này cũng sẽ là nơi để gặp gỡ của những người lính năm xưa, để họ được hồi sinh một phần ký ức oanh liệt, giàu lý tưởng của một thời tuổi trẻ" - ông Tú xúc động nói.
Ngoài hiện vật, ông Tú còn sở hữu hàng trăm bức ảnh về chiến tranh với đủ mọi sắc thái. Ông Nguyễn Văn Hồng, một cựu chiến binh đến tham quan chia sẻ: Những bức ảnh này đã lột tả được khá nhiều sự khốc liệt của cuộc chiến tranh.
Đây là bức ảnh những o du kích nhỏ giương cao súng áp giải tên lính dù to cao của Mỹ; kia là bức ảnh du kích và người dân nỗ lực cứu chữa cho những tên tù binh bị thương nặng… Và một bức ảnh khiến nhiều người xem như tôi ám ảnh: bức ảnh chụp một người lính Mỹ ngồi nhìn xa xăm với đôi mắt thất thần.
Mỗi người sẽ có cách "đọc" khác nhau về suy nghĩ của người lính này ở thời điểm trong bức ảnh đó, còn với tôi, tôi chắc chắn rằng đó là khoảnh khắc chênh vênh nhất của một con người khi vượt nửa vòng trái đất đến đây tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Cũng có thể, người lính trẻ ấy đã bị đẩy vào cuộc chiến và buộc phải cầm súng. Nếu hắn chết, thì đồng nghĩa sẽ có một viên đạn vô hình xuyên vào trái tim của một người mẹ ở cách chúng ta nửa vòng trái đất. Sự khốc liệt của chiến tranh còn là thế" - ông Hồng nói.
Khá say sưa và xúc động khi được trực tiếp chạm vào những hiện vật của chiến tranh, anh Trần Văn Thùy, Phó Bí thư Đoàn xã Kim Chính cho biết: Chúng tôi may mắn được sinh ra, lớn lên trong thời bình. Chiến tranh là một câu chuyện xa xôi trong quá khứ.
Đến thăm Bảo tàng, được tiếp xúc trực tiếp với các hiện vật, phần nào chúng tôi thấy được sự khốc liệt của những cuộc chiến ấy. Những vết đạn xuyên qua áo, những đôi dép cao su, những bình bi-đông nước bị méo mó vì bom đạn… thực sự mang lại xúc cảm mạnh mẽ đối với chúng tôi. Bảo tàng sẽ là "địa chỉ đỏ" để tuổi trẻ xã nhà đến tìm hiểu quá khứ, để thêm trân trọng cuộc sống tự do của hiện tại.
Từ đó, bồi đắp cho mình những hoài bão, khát vọng cống hiến cho quê hương. Sau mỗi buổi tham quan, chắc chắn các bạn trẻ sẽ sống có trách nhiệm và giàu lý tưởng hơn.
Đào Hằng