Là một trong những đại biểu đại diện cho tầng lớp công nhân lao động của tỉnh Ninh Bình thời kỳ những năm 1975-1976 khi đất nước vừa thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, ông Nguyễn Viết Bản, đại biểu Quốc hội khóa V không giấu được niềm tự hào, xúc động. Cầm trên tay tấm thẻ đại biểu Quốc hội - kỷ vật được ông trân trọng, gìn giữ như những kỷ niệm thiêng liêng đánh dấu bước trưởng thành và phấn đấu hết mình cho quê hương, đất nước, ông Bản bồi hồi nhớ lại. Thời gian đó (1975-1976), mặc dù hoạt động chưa tới 2 năm và có 2 kỳ họp diễn ra trong tình hình miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng, nhưng Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã long trọng tuyên bố: "Hơn một trăm năm nay, đây là lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam ta"… Đối với ông Nguyễn Viết Bản, lúc này là Trưởng phòng kỹ thuật Xí nghiệp cơ khí Hoa Lư, được sự tín nhiệm của cử tri, việc trở thành đại biểu Quốc hội được xem như điểm tựa để bản thân ông sống và làm việc tốt hơn trong suốt quá trình công tác của mình. Ông đã cùng với các đại biểu đại diện cho cử tri Ninh Bình thời đó đã có nhiều đóng góp, nổi bật là nắm bắt định hướng phát triển kinh tế của đất nước với việc cơ giới hóa ngành nông nghiệp, làm điều kiện định hướng cho sự phát triển của huyện, của tỉnh.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Viết Bản vẫn thường xuyên dõi theo những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh. Ông nhận thấy, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình trước đây và hiện nay, dù hoạt động ở thời kỳ nào, dù cương vị, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những đại biểu ưu tú, làm tròn trách nhiệm mà nhân dân giao phó, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Với bà Trần Thị Dự, đại biểu Quốc hội khóa VIII, nguyên là Giám đốc Xí nghiệp chiếu cói Đại Đồng, huyện Kim Sơn (tỉnh Hà Nam Ninh cũ), năm nay đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng mỗi lần nhớ lại quãng thời gian là đại biểu Quốc hội, bà vẫn luôn cảm thấy tự hào và xúc động, bởi đó là thời kỳ đánh dấu quá trình rèn luyện, phấn đấu và cống hiến của bản thân bà cho quê hương, đất nước.
Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng tại thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn), dù 20 năm đã trôi qua, nay tuổi đã cao, sức đã yếu, không còn nhanh nhẹn, nhiệt huyết như thời tuổi trẻ, song ký ức của bà Trần Thị Dự về quãng thời gian là đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992) dường như vẫn nguyên vẹn và đối với bà mãi là niềm vinh dự, tự hào.
Bà Dự cho biết: Được sự tín nhiệm của cử tri, bà trở thành đại biểu Quốc hội trong niềm vui xen lẫn sự hồi hộp, lo lắng, bởi từ trước đến nay, bà mới chỉ đảm nhiệm việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh, thêm nhiệm vụ mới liệu có đảm bảo hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. Thời điểm đó, đất nước còn vô vàn khó khăn khi vừa xóa bỏ bao cấp, bước vào thời kỳ đổi mới.
Là một trong 3 người của tỉnh Hà Nam Ninh cũ được vinh dự bầu là đại biểu Quốc hội khóa VIII, bà Dự đã cùng các đại biểu trong Đoàn tích cực tham gia phát biểu đóng góp ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội. Đoàn đại biểu của tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp để Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đề xuất với Quốc hội quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, động viên thợ tiểu thủ công nghiệp, chính sách cho người trồng cói, chính sách quan tâm tới đời sống của đồng bào theo đạo Công giáo... Đây là những vấn đề tâm huyết, trách nhiệm của Đoàn, được ghi chép, tổng hợp dựa trên sự tìm hiểu, nắm bắt từ cử tri và nhân dân, cơ bản được Quốc hội tiếp thu, ghi nhận, trong đó có nhiều chính sách đã được ban hành và đi vào cuộc sống.
Còn đối với đại biểu Quốc hội khóa XII Đinh Thị Ngoan, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Nho Quan thì thời gian tham gia đại biểu Quốc hội đã giúp cho chị trưởng thành lên rất nhiều.
Là đại biểu Quốc hội trẻ tuổi, lại là người dân tộc Mường, trong những năm tham gia Quốc hội khóa XII (2007-2011), chị Ngoan xác định mình là người con của đồng bào dân tộc, đặc biệt lại đang là giáo viên dạy con em đồng bào dân tộc nên chị luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến phản ánh của đồng bào dân tộc Mường nói riêng, người dân huyện Nho Quan nói chung và đông đảo cử tri trên địa bàn tỉnh để phản ánh kịp thời với Quốc hội, góp phần từng bước hoàn thiện các chủ trương, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế cũng như hưởng thụ các điều kiện về văn hóa, xã hội, từng bước theo kịp sự phát triển của miền xuôi.
Khi được bầu là đại biểu Quốc hội khóa XII, chị Ngoan mới tròn 35 tuổi nên chị không khỏi lo lắng, nhưng niềm vinh dự, tự hào và phấn khởi lớn hơn nhiều. Chị đã nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức để tự hoàn thiện mình, cùng với đó chị cũng được tập huấn kỹ năng, năng lực đại biểu Quốc hội nhằm nâng cao trình độ, do đó chị đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của người đại biểu nhân dân. Theo đó, trong các kỳ họp của Quốc hội khóa XII, chị cùng với Đoàn đại biểu của tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với công tác xây dựng luật. Cá nhân chị đã tham gia ý kiến với Quốc hội về một số vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm như: các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, quan tâm xây dựng mạng lưới viễn thông ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong dự thảo Luật Viễn thông, hay các chính sách đối với bà con vùng đồng bào dân tộc…
Hiện nay, với cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Nho Quan, công việc bận rộn, song chị Ngoan vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và theo dõi những sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, của đất nước. Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, chị lại càng thêm tin tưởng và mong muốn vào những đại biểu trẻ tuổi ở lớp kế cận có thêm nhiều đóng góp cho sự thành công chung của các kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Mỹ Hạnh