Ông Hoàng Đức Long, Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: 10 năm gần đây, Ninh Bình đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng hình thành các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh và xem công nghiệp là động lực phát triển kinh tế của địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch được 7 KCN, trong đó có KCN Gián Khẩu tổng diện tích là 162 ha, hiện đã thu hút được 28 dự án, có 14 doanh nghiệp đi vào hoạt động, thu hút trên 7.000 lao động.
KCN Khánh Phú tổng diện tích 351 ha hiện đã chấp thuận dự án đầu tư cho 39 dự án, đã có 24 doanh nghiệp đi vào hoạt động, thu hút trên 7.000 lao động.
KCN Tam Điệp giai đoạn I là 64 ha đã thu hút được 16 dự án và đã có 12 doanh nghiệp đi vào sản xuất, thu hút trên 14.000 lao động.
KCN Phúc Sơn diện tích 64,1 ha đã thu hút đầu tư 14 dự án, đã có 2 doanh nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được 3.500 lao động.
Hiện số dự án đã được chấp thuận đầu tư tại các KCN của tỉnh là 101 dự án và đã có 54 doanh nghiệp đi vào sản xuất với trên 30.000 lao động.
Năm 2015 cả 4 KCN đóng góp vào ngân sách tỉnh gần 2.000 tỷ đồng, năm 2016 nộp vào ngân sách tỉnh trên 3.000 tỷ đồng (tăng 150% so với năm 2015).
Hiện tại, các KCN đã đi vào hoạt động đều được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Đề án BVMT chi tiết theo quy định. Hầu hết các dự án đầu tư đã xây dựng các công trình BVMT theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch BVMT đã được phê duyệt.
Việc xác nhận hoàn thành các công trình BVMT, vận hành thử nghiệm trước khi dự án đi vào hoạt động cũng được thực hiện tốt. Nhìn chung, công tác BVMT tại các doanh nghiệp trong KCN chấp hành đúng quy định pháp luật, công tác vệ sinh môi trường được triển khai thường xuyên.
Tuy nhiên, có một số cơ sở sản xuất đã gây ô nhiễm cục bộ nguồn nước, không khí và gây bụi vượt quá quy chuẩn cho phép.
Trước thực trạng đó, Ban quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tiến hành kiểm tra đôn đốc kịp thời và xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm. Đến nay, những tồn tại nêu trên đã được các doanh nghiệp khắc phục, không để tình trạng tái diễn.
Có thể nói, việc quản lý, đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh công tác BVMT luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Ban quản lý các KCN tỉnh.
để đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường khi thu hút đầu tư vào các KCN thì việc triển khai mô hình KCN sinh thái được xem là lựa chọn tối ưu để triển khai áp dụng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, hướng đến phát triển bền vững.
Trong các KCN của tỉnh thì KCN Khánh Phú đã được lựa chọn để triển khai dự án. Qua khảo sát của UNIDO, bước đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chọn được 5 doanh nghiệp trong KCN Khánh Phú tham gia dự án.
Để xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả, tỉnh cũng cam kết đồng tài trợ dự án này thông qua việc triển khai thực hiện dự án trồng cây xanh và xây dựng hệ thống điện chiếu sáng của KCN Khánh Phú với tổng số tiền trên 10 triệu USD.
Đây là một cơ hội rất tốt để các KCN ở Ninh Bình tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ, phương thức sản xuất sạch hơn, góp phần giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính, thúc đẩy công tác BVMT, nâng cao năng lực ứng phó và xử lý các sự cố môi trường.
Đồng thời, việc triển khai Dự án sẽ tạo ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN, thúc đẩy hợp tác vì mục tiêu chung là tối đa hóa hiệu quả sản xuất, giúp chuyển giao công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất, cải tạo công nghệ để sản xuất sạch hơn, hiệu quả hơn.
Thông qua Dự án, các doanh nghiệp trong KCN sẽ được tập huấn, đào tạo và tư vấn về sản xuất sạch hơn, phát thải ít cacbon và tăng cường quản lý hóa chất, từ đó các doanh nghiệp sẽ nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong công tác BVMT.
Thông qua hiệu quả bước đầu của Dự án có thể khẳng định việc xây dựng mô hình KCN sinh thái là hướng đi đúng trong việc hài hòa lợi ích phát triển kinh tế với BVMT. Ông Hoàng Đức Long cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện dự án đến nay đã có trên 10 doanh nghiệp của KCN Khánh Phú tham gia vào mô hình KCN sinh thái.
Tuy nhiên, để mô hình này được nhân rộng thì Dự án nên điều chỉnh một số điều kiện, phương thức thực hiện để phù hợp hơn với thực tế ở các địa phương nói chung và tại Ninh Bình nói riêng.
Bên cạnh đó, để xây dựng được các doanh nghiệp, KCN xanh, thân thiện với môi trường cần sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan Trung ương đến địa phương thông qua việc xây dựng các chính sách, định hướng đúng đắn, kịp thời; sự quản lý sát sao, thông thoáng của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, trong đó chủ chốt là Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Một yếu tố quyết định là việc chuyển đổi nhận thức của chính các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư trong các KCN trong việc triển khai thực hiện chiến lược "Phát triển KCN xanh, bền vững, hiệu quả" trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thơm