Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố từng tham gia quân ngũ tại xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, Phạm Đức Sinh quyết tâm phấn đấu theo con đường binh nghiệp. Tốt nghiệp THPT, Phạm Đức Sinh thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Ra quân, năm 2003, Sinh thi đỗ Học viện Chính trị Quân sự. Năm 2008, tốt nghiệp ra trường, anh được Bộ Quốc phòng điều động công tác tại Tiểu đoàn 3, Đại đội 3, Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân.
Đến đầu năm 2012, Thượng úy Phạm Đức Sinh được Quân chủng Hải quân điều động làm Bí thư Chi bộ đảo Tốc Tan C. Tháng 7/2013, anh tiếp tục được Quân chủng phân công công tác giữ cương vị Bí thư chi bộ tại Đảo Đá Đông C. Thượng úy Phạm Đức Sinh chia sẻ: Ban đầu nhận nhiệm vụ lãnh đạo, tôi cảm thấy khá áp lực vì tuổi còn trẻ, trong khi trọng trách đặt lên vai quá lớn.
Thế nhưng, áp lực càng lớn, càng làm cho mình quyết tâm phấn đấu hoàn thành trọng trách cao cả được giao. Ngoài thực hiện nhiệm vụ huấn luyện hàng ngày, Sinh cùng cấp ủy đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú để anh em gắn bó với đảo, coi đảo là ngôi nhà chung, cán bộ, anh em, chiến sỹ là anh em trong nhà, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Với kinh nghiệm công tác tại 2 đảo Tốc Tan C và Đá Đông C, đều giữ cương vị Bí thư chi bộ đảo, Thượng úy Phạm Đức Sinh thường xuyên đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ để kịp thời động viên tinh thần anh em. Đặc biệt, anh thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, cụ thể hóa đối với đơn vị, nhất là các chỉ lệnh, đường lối chính sách trên không của Đảng, Nhà nước, quân đội. Đồng thời duy trì trực ban 24/24h để tránh rơi vào thế bị động và kiên quyết trục xuất các tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
Nhờ đó, 100% cán bộ, chiến sỹ trên đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành vượt mọi chỉ tiêu cấp trên đề ra. Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các chiến sỹ trên đảo còn thực hiện tiết kiệm nước ngọt trong sinh hoạt để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, cán bộ, chiến sỹ thực hiện quản lý có hiệu quả cơ sở vật chất hậu cần hiện có và nhiệt tình giúp đỡ ngư dân, thường xuyên tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho ngư dân; hỗ trợ nước ngọt cho ngư dân; hỗ trợ khám, chữa bệnh, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn khi ngư dân gặp rủi ro khi đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống Trường Sa, đặc biệt đối với địa phận của Đảo quản lý.
Để vững tay chèo lái đơn vị, gia đình, vợ con là chỗ dựa tinh thần lớn để Thượng úy Phạm Đức Sinh toàn tâm, toàn ý cho công việc. 2 lần đi đảo công tác là 2 lần gia đình Thượng úy Phạm Đức Sinh có biến cố lớn nhưng anh đã gác lại chuyện gia đình, hạnh phúc riêng tư để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc. Đó là năm 2012, khi ra đảo Tốc Tan C công tác thì biết tin bố mất nhưng anh không về để tang bố được. Lần thứ 2 là khi vợ vượt cạn anh không có ở nhà, đến nay đứa con gái đầu lòng của anh đã 7 tháng tuổi vẫn chưa biết mặt cha. Anh chia sẻ: thương vợ, nhớ con da diết nhưng chỉ biết động viên vợ ở nhà thay mình cố gắng nuôi con khỏe mạnh, đó là động lực để mình hoàn thành nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Đông C luôn kiên định lời thề danh dự: "mất đảo là mất chủ quyền, mất chủ quyền là có tội với đất nước, với nhân dân và gia đình", vì thế cán bộ, chiến sỹ quyết tâm giữ đảo với tinh thần "còn người, còn đảo". Với quyết tâm đó, tuy đến nay đã hết thời gian phân công công tác tại đảo nhưng Thượng úy Phạm Đức Sinh cùng một số đồng đội đã tình nguyện ở lại đảo thêm một thời gian nữa để cống hiến sức lực, trí lực cho quê hương, đất nước, chung sức giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những cống hiến của mình, Thượng úy Phạm Đức Sinh được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng nhiều giấy khen, bằng khen; Năm 2011, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Ba.
Hồng Vân