Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) kiên cường và giàu truyền thống cách mạng, anh thanh niên Hồ Phạm Nguyên đã có chí hướng đi theo truyền thống của quê hương và cha anh, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh tham gia phong trào đấu tranh cách mạng khi mới 17 tuổi. Từ năm 1949, ông đã tham gia trong đội quân tình nguyện Việt Nam sang nước bạn Lào chiến đấu. Khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn nước rút, Trung đoàn 148, Quân khu Tây Bắc của ông về nước tham gia chiến dịch. Nhớ lại năm tháng được đứng trong đội quân tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ, ông Hồ Phạm Nguyên cho biết: Đơn vị đóng ở Nà Sản và một số vị trí quan trọng khác. Riêng trạm thông tin do ông làm tổ trưởng gồm 5 người thì lập trạm ở Mường Phăng, sau đó chuyển về đồi Tà Sanh. "Tham gia chiến đấu nhưng làm nhiệm vụ trinh sát thông tin nên nhiệm vụ và công việc hết sức bí mật và thầm lặng. Tuy vậy, trong trạm thông tin, chiến sỹ nào cũng hiểu và trân trọng công việc thầm lặng mà mình đang gánh vác có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với "đường đi, nước bước" của Trung đoàn". Tuy không trực tiếp cầm súng đánh địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng trạm thông tin gồm 5 chiến sỹ cùng với Trung đội Bộ binh 316 có nhiệm vụ bảo vệ trạm đã quyết chiến một trận với địch khi bọn chúng phát hiện ra và tấn công trạm hòng cắt đứt đường dây thông tin liên lạc của ta. Chỉ trong 1 ngày, địch 24 lần ném bom, bắn pháo, tấn công trạm. Không chỉ chặn đánh các đợt tấn công của địch mà đơn vị còn đánh bại ý định và hành động của địch, bảo vệ an toàn trạm thông tin, góp phần cùng các đơn vị đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng.
Trở về cuộc sống đời thường năm 1980, mảnh đất Ninh Bình đã trở thành quê hương thứ 2 của ông vì khi hòa bình lập lại, ông Hồ Phạm Nguyên đã tham gia công tác tại Quân đoàn I, là chủ nhiệm chính trị Trường Văn hóa Quân đoàn I cho đến khi nghỉ hưu. Không dành chút thời gian nghỉ ngơi cho bản thân, ông "lao" ngay vào đảm nhiệm các công việc ở nơi cư trú như: Trưởng ban tuyên huấn xã Đông Sơn, tham gia Hội thẩm nhân dân thị xã Tam Điệp... và đặc biệt không quên việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các buổi nói chuyện, gặp mặt. Kể từ năm 1980 đến nay đã gần 30 năm nhưng tất cả những lời mời đến nói chuyện truyền thống, chưa một lần người cựu chiến binh cao tuổi từ chối. Lý do để ông không từ chối chính là "để thế hệ trẻ, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc thì không sách, báo, tài liệu nào minh họa sinh động, thiết thực, hiệu quả bằng chính những người lính trở về từ chiến tranh". Với lý do đó và tận sâu trong suy nghĩ, tình cảm của ông, càng những năm cuối đời được làm những việc có ý nghĩa là hết sức cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy mà nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên các trường dạy nghề, THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn thị xã Tam Điệp đã được nghe ông tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng thông qua những câu chuyện kể, những lời tâm sự về cuộc đời binh nghiệp cũng như những trận đánh đã đi vào lịch sử dân tộc mà ông từng tham gia.
Đến thăm ông vào đúng dịp cả nước đang sôi nổi các hoạt động chào mừng 34 năm chiến thắng 30-4-1975 và 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh tượng giữa một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, đồ đạc đơn giản, nổi bật trên chiếc bàn nhỏ kê giữa nhà là một bó hoa hồng đỏ thắm. Tài sản có giá trị nhất trong ngôi nhà của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa chính là những kỷ vật mang dấu ấn "Điện Biên Phủ". Giải thích với chúng tôi về bó hoa, ông tâm sự: Tối 30-4 vừa qua, ông đã đến nói chuyện với gần 200 đoàn viên, thanh niên xã Đông Sơn về truyền thống cách mạng. Ngày 5-4, ông lại có "lịch" nói chuyện với thầy và trò Trường THPT Ngô Thì Nhậm... Tuy tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, thậm chí ông còn mắc căn bệnh tuổi già là bệnh "Anzeime", chân tay run rẩy. Nhưng khi đã có lời mời, ông lại nhiệt tình lên đường cùng chiếc xe đạp cũ và trong lòng lại sục sôi bầu nhiệt huyết như thuở đôi mươi mới tham gia cách mạng... Người cựu chiến binh cao tuổi Hồ Phạm Nguyên còn là Trưởng Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên thị xã Tam Điệp. Ông mới dẫn đầu đoàn chiến sỹ Điện Biên thị xã về thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước khi chia tay ông ra về, chúng tôi đã xin ông tấm ảnh ông cùng đồng đội về thăm Hầm tổng đài điện thoại, là nơi cách đây 55 năm ông đã tham gia làm nhiệm vụ tại đây. Ông tâm sự: Mỗi lần thăm lại chiến trường xưa, trong lòng ông lại vô cùng xúc động khi hồi tưởng lại những kỷ niệm của những ngày tuy khó khăn, gian khổ nhưng sâu sắc và ý nghĩa. Giờ Mường Phăng đã có nhiều thay đổi, cuộc sống của nhân dân đã khấm khá hơn, cơ sở hạ tầng nơi chiến trường xưa khang trang hơn trước... Đứng giữa chiến trường xưa, ông luôn thầm nhủ: Tuy đảm nhiệm công việc thầm lặng nhưng ông cùng đồng đội đã vinh dự và tự hào được góp sức mình cùng cả dân tộc làm nên một chiến thắng "chấn động địa cầu".
Bài, ảnh: Phan Hiếu