Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói, họ sẽ gửi thông điệp trên đến những người đồng cấp Trung Quốc và Ấn Độ khi tham dự Hội nghị Á-Âu ở Bắc Kinh vào cuối tuần này.
"Cùng với Chủ tịch Barroso, chúng tôi đến Trung Quốc còn với mục đích thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh này," ông Sarkozy nói.
Sau khi gặp Tổng thống Sarkozy và Chủ tịch Barroso ở trại David, Tổng thống Bush đã đồng ý đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng tài chính, dự kiến sẽ sớm diễn ra sau cuộc bầu cử 4-11. Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhiều ngân hàng có nguy cơ phá sản và chính phủ nhiều nước phải chi hàng tỷ USD để cứu nguy, hội nghị sẽ xem xét, đánh giá lại hệ thống tài chính toàn cầu để tránh việc tái diễn một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự.
Tổng thống Sarkozy nói, hội nghị cần có sự tham gia của các nước công nghiệp G8 và năm nền kinh tế đang lên, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu.
Trung Quốc, nước hiện được cho rằng đang giữ số trái phiếu kho bạc của Mỹ trị giá đến 1.000 tỷ USD, chưa có ý kiến gì về việc có tham dự hội nghị hay không, mặc dù ngân hàng trung ương nước này đã cùng tham gia cắt giảm lãi suất cơ bản với ngân hàng trung ương các nước phương tây hôm 8-10, một hành động nhằm khôi phục niềm tin vào hệ thống cho vay trên toàn cầu.
Còn Ấn Độ, mặc dù muốn đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng cũng chưa chính thức phát biểu gì về việc tham gia hội nghị.
Giới quan chức EU cho rằng, việc hai nước châu Á này có tham gia hội nghị hay không phụ thuộc vào việc họ có được đóng vai trò chủ đạo chứ không phải vai trò khách mời thứ yếu tại một hội nghị mở rộng - như điều vẫn diễn ra ở các hội nghị cấp cao G8 trước đây.
Tổng thống Sarkozy cũng đề xuất các nước thành lập quỹ đầu tư chính phủ để mua cổ phần của các ngân hàng bị sụp đổ, đồng thời kêu gọi siết chặt quản lý đối với các quỹ đầu tư chính phủ của nước ngoài, đặc biệt là của các nước sản xuất dầu mỏ.
Giới phân tích cho rằng, đề xuất của ông Sarkozy xuất phát từ chỗ lo lắng các ngân hàng châu Âu trong cơn khốn khó sẽ bị rơi vào tay nước ngoài.
Theo NDĐT