Quang Sơn là xã miền núi, điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn, đất canh tác chủ yếu bạc màu, manh mún; nhân dân chủ yếu sống nhờ vào cây chè. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay xã Quang Sơn và phường Tây Sơn có 240 ha chè, sản lượng năm 2007 đạt 1.700 tấn, với doanh thu gần 5 tỷ đồng. Nhiều năm qua, cây chè đã chứng minh là cây chủ lực, của người dân nơi đây. UBND xã đã kết hợp với các đoàn thể, nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh, tiếp thu KHKT mới về trồng và chăm sóc chè… Vì vậy, cây chè không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều gia đình mà còn giúp họ có cuộc sống khá giả; nhiều hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Anh Mai Văn Dẫn - thôn Tân Nhuận, một trong những người tâm huyết lâu năm với cây chè. cho biết: Trồng chè không vất vả như các cây màu khác, đầu tư ít mà thu hoạch cũng khá. Mỗi năm từ 2 ha chè, gia đình anh có thu nhập gần 50 triệu đồng. Những năm gần đây ngoài bán chè lá, anh còn bán chè cành, hình thức thu hoạch này vừa đỡ tốn công hái chè mà hiệu quả kinh tế lại đạt cao hơn.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của cây chè nơi đây còn thể hiện những tồn tại và bất cập cần có biện pháp tháo gỡ. Nhiều hộ nông dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư thâm canh. Giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều hộ không có điều kiện đầu tư nên sau vài năm chán nản lại phá bỏ. Điều đáng nói là cả xã không có hệ thống tưới tiêu. Cây chè cho thu hoạch cao hay thấp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Bác Dư - thôn Tân Nhuận bày tỏ: Nhà tôi trồng trên 1 ha, nếu năm nào mưa thuận, gió hòa thì cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm, nhưng nếu năm nào hạn hán thì chỉ cho thu một nửa số tiền đó. Việc tiêu thụ chè hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Có những thời điểm giá chè đạt từ 4.000 - 4.500 đồng/kg (khoảng 6 tháng), còn lại chỉ khoảng 3.000 đồng, thậm chí có khi chỉ xuống tới 2.000 đồng/kg.
Giải thích cho thực tế này, bác Dư cho rằng giá chè xuống thấp do chất lượng lá chè kém, thường thu hoạch vào mùa nắng thì giá chè lại thấp trong khi nhu cầu của thị trường lại cần nhiều hơn. Đó là một nghịch lý mà người trồng chè phải đối mặt nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, hầu hết đất canh tác của các hộ trồng chè rất manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc chăm sóc và quản lý. Có những hộ tổng diện tích chỉ khoảng 1 ha nhưng có tới 7 mảnh nằm rải rác. Do vậy, họ không tập trung vào việc trồng cây chè mà mỗi mảnh trồng một thứ cây vừa không hiệu quả, vừa tốn kém… Toàn bộ diện tích chè khi thu hoạch các hộ dân đều phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm mà không ký được hợp đồng tiêu thụ với tổ chức, công ty nào. Việc canh tác, tiêu thụ vẫn còn mang tính thủ công...
Có thể nói, đối với xã Quang Sơn và phường Tây Sơn, doanh thu từ chè chiếm gần 1/3 tổng doanh thu từ nông nghiệp thì đó là một điều đáng phải suy nghĩ. Và cây chè ở đây còn nhiều khó khăn, thử thách: Phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, thị trường tiêu thụ không ổn định... Vì thế, để người trồng chè thực sự giàu lên từ cây chè rất cần sự hỗ trợ và đầu tư của các cấp, nhất là hệ thống tưới tiêu cho vùng đồi để tiềm năng nơi đây được đánh thức.
Vân Anh