Ngay từ khi thành lập huyện (năm 1829), ngoài việc khai hoang, lập ấp ra người dân Kim Sơn đã vào tận Quảng Xương - Nga Sơn - Thanh Hóa để học nghề trồng cói, dệt chiếu, rồi học cách đan thảm, đan bao manh,…sau Cách mạng Tháng tám năm 1945 việc buôn bán thương mại giữa Việt Nam và Trung quốc phát triển, tại thị trấn Phát Diệm ngày nay đã xuất hiện một số cửa hiệu chuyên sản xuất chế biến hàng cói do người Hoa đảm nhiệm: Hưng Lợi, Xương Lợi, Rắc Trần,… và từ đó nghề trồng cói, chế biến cói trong huyện đã hình thành, phát triển, lan rộng ra khắp các xã trong huyện và các xã lân cận của huyện Yên Mô, Yên khánh.
Trải qua gần 2 thế kỷ tồn tại với bao thăng trầm, giờ đây người dân Kim Sơn không đơn thuần chỉ dệt chiếu cói, nhiều sản phẩm từ cói đã được đôi bàn tay tài hoa, khối óc giàu trí sáng tạo của những người thợ trở thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những nét họa tiết hoa văn tinh sảo, được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Nếu như từ năm 2001 trở về trước, sản phẩm cói của Kim Sơn xuất khẩu dưới dạng thô sang một số nước khu vực châu Á như: Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì từ năm 2002 đến nay nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, những tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, giỏ, thúng, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí nội thất,…. đã có mặt ở gần 40 quốc gia trên thế giới. Trong đó sản lượng xuất khẩu các nước Châu Âu chiếm khoảng 24%, các nước ASEAN 11%, Nhật Bản 7%, Châu Mỹ 5%, Trung quốc 18%.
Nghề chế biến cói phát triển đã giải quyết được phần lớn lao động nông nhàn của huyện Kim Sơn, theo số liệu thống kê toàn huyện có trên 12.600 lao động ở 27 xã, thị trấn tham gia vào hoạt động sản xuất và chế biến tại làng nghề truyền thống với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng cói thu hút trên 4.000 lao động làm việc thường xuyên và trên 30.000 lao động trong các khu dân cư. Những năm gần đây, giá trị sản xuất sản phẩm từ cói liên tục tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm nghề cói đạt trên 13%. Trong tổng giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN của huyện Kim Sơn thì giá trị sản xuất từ nghề cói luôn chiếm 64% - 74%. Năm 2006, làng nghề cói Trì Chính xã Kim Chính là một trong 3 làng nghề đầu tiên được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Từ năm 2006 đến 2011 toàn huyện đã có 18 làng nghề chế biến cói được UBND tỉnh cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề. Nghề chế biến cói trước kia chủ yếu ở Kim Sơn nay đã mở rộng ra các huyện Yên Mô, Yên Khánh với 33 làng chế biến cói được công nhận là làng nghề cấp tỉnh…
Để duy trì, phát triển làng nghề theo hướng bền vững, trong thời gian tới cần tập trung quy hoạch phát triển làng nghề và quy hoạch vùng nguyên liệu cho làng nghề. Trong quy hoạch vùng nguyên liệu cói, tập trung hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất cói nguyên liệu phía tây đường 481, trước mắt tập trung phát triển vùng nguyên liệu cói hiện có của Công ty Nông nghiệp Bình Minh đảm bảo sản lượng ít nhất đạt 5.000 tấn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất.
Thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông kết hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn mở các lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải chủ động đăng ký bản quyền và xây dựng thương hiệu, là cơ sở đảm bảo tính pháp lý và độ tin cậy trong giao dịch cũng như trao đổi hàng hóa trên thị trường. Đồng thời để thị trường sản phẩm làng nghề phát triển ổn định và mở rộng cần tăng cường đầu tư cho công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại thông qua các hình thức quảng cáo, triển lãm, tham gia hội chợ trong và ngoài nước.
Hồng Giang