Xã Khánh Thành (Yên Khánh) là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với hầu hết các tiêu chí được đánh giá là đã "chín" so với tiêu chuẩn.
Đồng chí Phạm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết: "Chúng tôi quan niệm, không phải đã đạt chuẩn là kết thúc, là bằng lòng với những gì mình đạt được, mà ngược lại cần phải thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động như cơ sở hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, cơ sở vật chất giáo dục... để có những giải pháp duy trì và nâng cao hơn chất lượng các tiêu chí, mục tiêu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân".
Là địa phương có thế mạnh về tiềm năng đất đai để phát triển nông nghiệp, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, người dân Khánh Thành đã từng bước hình thành cách làm ăn mới trong sản xuất.
Theo đó, người dân liên kết, hình thành các mô hình phát triển kinh tế, thành lập các tổ hợp tác cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, như tổ hợp tác chăn nuôi, tổ hợp tác cây trồng... Điển hình như xóm 13 đã thành lập Tổ hợp tác phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Các thành viên của tổ đều là những nông dân cần cù chịu khó, trên những mảnh ruộng trước kia chỉ cấy 2 vụ lúa, giờ đây họ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như mướp đắng, bí xanh, ớt xuất khẩu, cây lặc lè... được đưa vào trồng, trừ mọi chi phí cho lãi 100 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, khi công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng được hoàn thành, người dân tiếp tục tự nguyện hiến đất mở rộng các đường giao thông nội đồng với chiều rộng hơn 3m và đóng góp tiền của để bê tông hóa đường giao thông nội đồng, cắm mốc ranh giới giữa ruộng của các hộ dân và đường trục nội đồng bằng những cột mốc bê tông.
Đồng thời thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở, giao trách nhiệm cho các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên khai thác hiệu quả kinh tế của từng vùng sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp; tạo mọi điều kiện để nhân dân phát triển ngành nghề… nhằm giữ vững, củng cố và phát triển những thành quả nông thôn mới đã đạt được.
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn của xã Khánh Thành cơ bản hoàn thiện với 100% đường giao thông nông thôn, kênh mương cấp I được cứng hóa; các công trình trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn; nhà văn hóa được xây mới, củng cố…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, khám, chữa bệnh, sinh hoạt của nhân dân.
Đối với xã Khánh Thiện, mặc dù không phải là xã làm điểm, nhưng niềm vui "về đích" nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào cuối năm 2013 không làm cán bộ và nhân dân nơi đây lơ là việc giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được.
Xác định phát triển nghề truyền thống, mở mang nghề mới là hướng đi trọng tâm để duy trì và nâng cao tiêu chí về thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Là địa phương có nhiều nghề truyền thống như dệt chiếu, làm các loại bánh, xã phát huy hiệu quả chợ Xanh là nơi giao thương buôn bán giữa nhiều địa phương, phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân.
Đồng thời khôi phục và phát triển nghề truyền thống của cha ông bằng việc lên kế hoạch xây dựng đề án du lịch làng nghề truyền thống, trước mắt là khuyến khích người dân phát huy tiềm năng các nghề truyền thống, nhất là nghề làm bánh đa tại xóm Phong An, là nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định thu hút hàng trăm lao động tham gia.
Cùng với đó, khuyến khích các mô hình chăn nuôi, mô hình VAC, trồng cây cảnh, làm các nghề TTCN như cơ khí, may mặc, mộc… giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Giá trị từ sản xuất TTCN và các ngành nghề bình quân mỗi năm của xã đạt trên 36 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động với mức thu nhập ổn định.
Đồng chí Phạm Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho biết: Không chỉ dừng lại ở việc duy trì các tiêu chí đã đạt, Khánh Thiện còn từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, góp phần xây dựng một xã nông thôn mới kiểu mẫu, hiện đại, toàn diện.
Ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao thu nhập, xã còn chú trọng triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao các giải pháp giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Cụ thể như, sau khi tiến hành bê tông hóa các con đường giao thông trên địa bàn, xã tiến hành đặt tên các con đường và triển khai gắn biển số nhà, tạo thuận lợi trong quá trình quản lý về mặt hành chính, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Có thể nói, việc duy trì, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới lên tầm cao hơn đã khẳng định rằng xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, thường xuyên, bởi mục đích mà chương trình mang lại chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở các xã đã đạt chuẩn mới chỉ là bước khởi đầu.
Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được là tiếp tục phát động các phong trào thi đua hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, khơi dậy sức mạnh toàn dân, khai thác tối đa mọi nguồn lực, biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến.
Cùng với đó tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương; xây dựng và thực hiện các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được.
Đồng thời phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự nhất trí, đồng lòng, từ đó việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được mới thực sự bền vững, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Huy Hoàng