P.V: Đồng chí cho biết sơ bộ về tình hình kinh tế tỉnh Ninh Bình năm qua, cũng như kết quả thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát?
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh: Trong năm qua, kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng phải "đối mặt" với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường trong những tháng đầu năm. Giá dầu và hầu hết các nguyên, vật liệu cơ bản cũng như lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tăng cao; kinh tế Mỹ suy giảm đã tác động mạnh và kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu.
Trong nước, đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đã gây tổn thất lớn về vật chất, tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta có sức cạnh tranh chưa cao lại mới bước đầu vận hành theo cơ chế thị trường và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thì những hậu quả nặng nề của thiên tai, dịch bệnh và những biến động bất lợi của kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của đất nước mà trước hết là mặt bằng giá trong nước. Những khó khăn, thách thức đó đều có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế tỉnh nhà. Môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng, một số lĩnh vực sản xuất đang có dấu hiệu tăng chậm lại.
Chọn mua hàng tại Siêu thị Đông Thành Plaza. Ảnh: Phạm Trường.
Thực hiện nghiêm túc 5 nhóm giải pháp của Chính phủ, với sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt và linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2008 đã từng bước hạn chế những khó khăn và đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) ước đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 47,3%; thu ngân sách đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 59%; khách du lịch đến Ninh Bình đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 18,5%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 48,2 triệu USD, tăng 38,6%. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2008 đạt trên 5.700 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2007. Giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường toàn tỉnh nhìn chung dần ổn định.
Quán triệt việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong các cơ quan, công sở đã tạo thành ý thức tiết kiệm trong mỗi cán bộ, công nhân viên, trong mỗi công việc. Thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg đối với việc sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cho UBND ra quyết định tạm ngừng triển khai 2 công trình chưa thực sự cấp bách do tỉnh quản lý với tổng số vốn là 7 tỷ đồng để tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai và thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, xóa nhà tranh, vách đất trên địa bàn… đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.
P.V: Gần đây chúng ta nói nhiều đến suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đồng chí cho biết ảnh hưởng của tình hình trên đến kinh tế đất nước và kinh tế Ninh Bình trong thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh: Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, đã nêu rõ: Mức độ trầm trọng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và chiều hướng suy thoái kinh tế thế giới đang tác động rõ hơn, nhiều hơn đến nền kinh tế nước ta, mà cụ thể là xuất khẩu khó khăn hơn; kinh tế suy giảm, sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp. Chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên, hạn chế nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước, làm giảm khả năng xuất khẩu của nước ta. Du lịch sẽ bị ảnh hưởng lớn, chỉ tính trong 10 tháng qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng 3,5% so với 16,8% năm 2007. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có khả năng sẽ giảm mạnh. Đầu tư gián tiếp và khối lượng kiều hối chuyển về nước sẽ ít hơn; khả năng vay nợ, bảo lãnh nhập khẩu cũng khó khăn hơn.
Cống xã Văn Phong (Nho Quan) mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đức Lam
Trong bối cảnh như vậy, tỉnh Ninh Bình là một tỉnh đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, việc xuất khẩu một số mặt hàng truyền thống cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, là tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch… lượng khách cũng sẽ giảm sút.
P.V: Vậy Ninh Bình phải triển khai các giải pháp như thế nào?
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh: Mục tiêu chung là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị…
Năm 2009, với sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tỉnh Ninh Bình quyết tâm thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể: Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; chính sách thu hút đầu tư vào khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình.
Để đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tỉnh thực hiện một số kế hoạch như kế hoạch xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đến năm 2010; kế hoạch xây dựng Bệnh viện 700 giường; kế hoạch sản xuất 10 triệu tấn xi măng/năm và 30 vạn tấn thép/năm đến năm 2010… Bên cạnh đó, kích cầu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước về xây dựng cơ bản tập trung, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA và nguồn vốn phi Chính phủ. Tập trung chỉ đạo nâng cấp hệ thống thoát lũ cho sông Hoàng Long qua sông Đáy tới cửa Đáy nhằm xóa bỏ hoàn toàn vùng phân lũ chậm lũ.
Đối với nhóm giải pháp an sinh xã hội, xác định ngay từ đầu năm 2009, cần khẩn trương rà soát, xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, tiếp tục triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, tín dụng ưu đãi cho người nghèo, thực hiện đề án cho vay vốn đối với xuất khẩu lao động… Đối với nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành cần tập trung vào việc chủ động về công tác dự báo, phân tích. Quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện cải cách của thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (Thực hiện)