Ông Đinh Văn Vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông 3 (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: Tuyến Quốc lộ 1A chạy qua trung tâm thành phố Ninh Bình có đoạn nằm trùng với đường Trần Hưng Đạo (thành phố Ninh Bình) hiện đã quá tải, xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần và khi có lễ hội. Năm 2006, UBND tỉnh đã cho phép đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT477 kéo dài.
Với tính chất quan trọng, cấp bách cũng như công năng sử dụng của tuyến đường, UBND tỉnh đã đề nghị với Bộ Giao thông-Vận tải báo cáo Chính phủ đồng ý cho chuyển thành đường Quốc lộ 1A-đoạn tránh thành phố Ninh Bình và được Bộ Giao thông-Vận tải bố trí vốn để xây dựng và tiếp tục giao cho tỉnh làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ giao cho Bộ Giao thông - Vận tải quản lý, khai thác.
Để phù hợp với quy mô và tiêu chuẩn của đường Quốc lộ, Sở Giao thông - Vận tải đã rà soát, điều chỉnh dự án và trình tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 10-7-2014.
Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 17,3 km được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngã ba Ninh Giang đến nút giao với đường vào Tam Cốc-Bích Động dài 12,1 km; giai đoạn 2 từ nút giao với đường vào Tam Cốc-Bích Động đến nút giao đường vào Nhà máy xi măng Duyên Hà (phường Tân Bình-thành phố Tam Điệp) dài 5,2 km.
Giai đoạn 1, mặt đường được thiết kế rộng 21 m, đổ bê tông xi măng và bê tông nhựa; chiều rộng nền đường 37 m; trong đoạn tuyến xây dựng mới 3 cầu (Ninh Tiến 1, Ninh Tiến 2 và cầu Tràng An) với tổng kinh phí xây dựng khoảng 850 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 có quy mô chiều rộng nền đường 31 m, mặt đường rộng 19 m; xây mới cầu sông Hệ, sông Vó, Bến Đang và cầu vượt đường sắt; kinh phí xây dựng trên 500 tỷ đồng. Toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, quy mô 4 làn xe cơ giới, tốc độ 80 km/h; tổng mức đầu tư 1.706,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường-đơn vị trúng thầu Dự án cho biết: Quá trình thi công toàn tuyến cũng như đoạn tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng với khối lượng công việc nhiều: Di dời đường điện, cáp viễn thông, đường nước sạch, hoàn trả kênh tưới tiêu, công trình phúc lợi của nhân dân...
Tổng diện tích đất phải thu hồi dự án là 56,7 ha, ảnh hưởng đến 831 hộ dân, trong đó có 167 hộ phải tái định cư. Việc GPMB gặp khó khăn, kéo dài, do: Chính sách chưa phù hợp, việc giải quyết kiến nghị của nhân dân liên quan đến đất đai có nhiều vướng mắc, một bộ phận nhân dân hiểu biết còn hạn chế...
Công tác tổ chức thi công cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là vướng về giải phóng mặt bằng, vốn, nhiều vị trí nền đất yếu phải gia cố, đào chuyển nhiều. ở giai đoạn 1 của Dự án, Doanh nghiệp đã phải đào đất thải chuyển đi trên 250.000 m3; đắp nền đường 1,3 triệu m3; sử dụng 1,3 triệu m dài bấc thấm; sử dụng 70.000 m3 đá dăm và đá cấp phối; đổ 60.000 m3 bê tông mặt đường, 34.000 tấn bê tông nhựa đường; riêng xây mới 3 cầu đã đổ 16.000 m3 bê tông, cọc khoan nhồi 3.300 m và gần 32.000 m cọc và dầm bê tông cốt thép...
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương có dự án đi qua, toàn bộ mặt bằng nơi dự án đi qua đã được bàn giao cho nhà thầu thi công. Doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng bố trí vật tư, phương tiện, nhân lực, nguồn vốn thi công các hạng mục công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn công trình; có những thời điểm huy động hàng trăm phương tiện, thiết bị hàng nghìn cán bộ kỹ thuật và công nhân xây dựng tranh thủ thời tiết tốt, bố trí làm việc 3 ca liên tục.
Đồng thời, áp dụng các quy trình, công nghệ thi công tiên tiến nhất phù hợp với điều kiện của từng hạng mục vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình mà không ảnh hưởng đến môi trường cũng như an toàn giao thông.
Hiện tại nhà thầu đã hoàn thành giai đoạn 1-đoạn từ ngã ba Ninh Giang đến nút giao vào đường Tam Cốc-Bích Động dài 12,1 km, đúng thời gian cam kết với tỉnh hoàn thành đoạn tuyến vào cuối năm 2015.
Đoạn tuyến còn lại (giai đoạn 2 dài 5,2 km), Doanh nghiệp sẽ khắc phục khó khăn, tập trung nhân lực, phương tiện hoàn thành trong năm 2016.
Ông Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông 3 cũng cho biết: Sau lễ thông xe kỹ thuật, đoạn tuyến của giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác và sẽ phân luồng giảm tải giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A qua trung tâm thành phố Ninh Bình, từ đó giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông trong khu vực trung tâm thành phố.
Các phương tiện vào Nam đi theo Quốc lộ 1A đến nút giao thuộc địa bàn xã Ninh Giang (Hoa Lư) có thể rẽ phải vào đoạn đường mới, đến nút giao đường vào Tam Cốc-Bích Động rẽ trái qua cầu Vòm ra Quốc lộ 1A; các phương tiện ra Bắc thì ngược lại...
Trong thời gian tới, nhà thầu thi công phải hoàn thiện một số công việc như: Cắm biển báo, biển chỉ dẫn, vạch dẫn đường, trồng cây xanh và theo dõi độ lún.
Việc đưa đoạn tuyến của Dự án vào khai thác cũng góp phần quảng bá hình ảnh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch cũng như giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực vận tải của các doanh nghiệp.
Đinh Chúc