Là một xã miền núi của huyện Nho Quan, nằm bên sông Hoàng Long nên có tới non nửa diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ gieo cấy được một vụ. Núi đá vây quanh, ruộng hoang cỏ mọc, mặc nhiên đồng đất Đức Long trở thành hang ổ bao la của chuột. Nhiều năm qua, địa phương luôn phải đối mặt với nạn chuột phá hại lúa, có vụ tới 20-30% diện tích gieo cấy bị chuột phá hại hoàn toàn không cho thu hoạch. Một số hộ nông dân đã chấp nhận bỏ ruộng hoang vì sợ nạn chuột. Để đối phó với nạn chuột hoành hành, HTX Đức Long đã triển khai nhiều giải pháp từ việc thành lập các tổ đội chuyên đánh bắt chuột làm dịch vụ cho nông dân, ngày đêm đi đặt bả kết hợp với đào bắt thủ công rồi đến thuê một số tổ chức đánh bắt chuột chuyên nghiệp, thậm chí phát động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân… đồng loạt ra quân diệt chuột. Nhưng tất cả các biện pháp này chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Số chuột bắt được "không lại" được với số chuột sinh ra theo cấp độ số nhân.
Ông Đinh Văn Thủy, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đức Long cho biết: Vụ mùa 2017 này, đầu vụ chúng tôi cũng đã triển khai đánh 2 lần bằng bả sinh học nhưng không mấy tác dụng vì chuột đã quen và phát hiện trong mồi có độc tố, chúng không ăn như trước nữa.
Lúc này HTX xác định phải chuyển sang đánh bằng bẫy và phải có cách nào đó phát động toàn dân diệt chuột thì mới hiệu quả. Phương án được đưa ra là HTX sẽ đứng ra thu mua đuôi chuột với giá 4 nghìn đồng/1 con chuột bị diệt. Đây là một mức giá khá cao so với các địa phương khác (thông thường chỉ 1-2 nghìn đồng/con) nhưng chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng, chỉ với mức giá này thì mới khuyến khích được người dân tích cực diệt chuột.
Để tăng hiệu quả của bẫy kẹp, chúng tôi còn nghiên cứu cải tiến một số chi tiết của bẫy rồi hướng dẫn nhân dân làm theo. Thông thường bẫy kẹp bán ngoài thị trường chỉ có chốt gài mồi và lẫy giữ bẫy nhưng khi mua về chúng tôi chế thêm 1 tấm tôn mỏng vừa để làm chỗ bỏ mồi vừa làm bàn đạp giúp tăng diện tích tiếp xúc với chuột, tăng độ nhậy của bẫy, do vậy nhiều khi chuột chưa cần ăn mồi mà chỉ mon men đến gần là đã bị sập bẫy.
Kế toán HTX Đức Long cho tôi xem tường tận các biên bản nghiệm thu, tiêu hủy chuột. Tính đến thời điểm này, tức là chưa đầy 50 ngày phát động, số chuột tiêu diệt trên cánh đồng Đức Long là 37 nghìn con, đó là chưa kể số chuột bị chết do đánh thuốc. Có hàng nghìn hộ dân đã tham gia đánh chuột, có những hộ đi đặt hàng trăm bẫy mỗi ngày, xuất hiện những kiện tướng diệt nghìn con chuột, thu về 6-7 triệu đồng từ tiền bán đuôi chuột.
Nhằm tránh tình trạng gian lận trong việc kê khai mua bán đuôi chuột như: đuôi chuột bán rồi lại đào lên bán lại hay người dân đi lấy đuôi chuột từ địa phương khác về bán, HTX đã tiến hành đốt tiêu hủy toàn bộ số đuôi chuột đã thu mua, đồng thời phát huy việc giám sát trong cộng đồng dân cư. Do vậy việc thu mua đuôi chuột đảm bảo đúng quy định. Về chi phí mua đuôi chuột, HTX sẽ tổng hợp vào cuối vụ và chia thu theo đầu sào.
Cùng đồng chí cán bộ HTX có mặt trong một buổi chiều thu mua đuôi chuột tại đội sản xuất số 5 và số 6, tôi có thể cảm nhận rõ vẻ hài lòng và sự phấn khởi, vui sướng của người nông dân khi vụ này nạn chuột đã cơ bản được khống chế. Bà Trần Thị Nương hồ hởi: Nhà tôi cấy 4 sào lúa, năm ngoái chuột cắn mất trắng 1 sào nhưng năm nay lúa đẹp lắm, chưa bị mất chỗ nào cả. Giá mà HTX thực hiện chương trình này từ năm ngoái.
Tự hào khi làm cho hàng trăm con chuột sập bẫy từ đầu vụ đến giờ, ông Trần Văn Bát, đội trưởng đội sản xuất số 5 chia sẻ kinh nghiệm bẫy chuột của mình: Chuột cũng thích đổi món, cũng thích những gì thơm ngon, dậy mùi. Do vậy, để tăng lượng chuột dính bẫy tôi phải đổi mồi liên tục, khi thì thóc khô, khi thì thóc ngâm mộng, lúc lại là cá nướng hay thịt rang…
Cũng theo ông Bát thì: áp dụng phương án đánh chuột cộng đồng kiểu này, ai ai cũng phấn khởi. Hộ nào có nhân lực, bỏ thời gian công sức đi đánh chuột thì cũng kiếm được khá từ việc bán đuôi chuột, còn hộ nào không đi đánh chuột được thì cũng rất vui vẻ vì chỉ cần bỏ ra chi phí vài chục nghìn/sào là lúa của gia đình đã được bảo vệ an toàn.
Bài, ảnh: Hà Phương