Xã Đức Long có diện tích tự nhiên 1.060 ha, có 12 thôn, trong đó có 8 thôn nằm ngoài đê. Diện tích canh tác nông nghiệp có 520 ha thì trên 50% nằm ngoài đê. Xã có tuyến đê chạy qua dài 4,3 km, cao trình đảm bảo mức lũ đỉnh 5,5m và tuyến đê bao Lợi Hà đảm bảo cao trình chống lũ, chống lũ tiểu mãn ở mức 3,5 m và có đập Đức Long- Gia Tường dài 200m... Nếu có lũ lụt, phải xả tràn thì Đức Long là cái tên nhắc đến sớm nhất của huyện và tỉnh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngay từ đầu mùa mưa bão, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo và thực hiện việc kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Toàn xã có 3 phân ban chỉ huy phụ trách ở 3 cụm tuyến đê, các công trình thủy lợi ở xã.
Các phân ban này cũng được kiện toàn lại, được giao trách nhiệm cụ thể ở địa bàn. Mỗi phân ban đều phải xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ, 5 sẵn sàng".
Đối với nội dung công tác "4 tại chỗ" và phương án sơ tán dân khi xả tràn, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào địa bàn, năm nay, xã Đức Long chuẩn bị 300 chiếc cọc tre, 300 bao tải, 10 kg thép buộc, 60 m2 cát đóng bao, 100 chiếc rọ sắt, 100 chiếc thuyền, 5 xe tải, máy phát điện, 30 áo phao và 50 người thuộc lực lượng dân quân tại chỗ...
Khi có bão mạnh, cường độ mưa lớn buộc phải thực hiện phương án xả tràn thì Ban chỉ huy PCTT & TKCN xã là phân ban địa phương duy trì chế độ trực, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy cấp huyện để xin ý kiến chỉ đạo.
Đồng thời thực hiện nhiệm vụ của phân ban cơ sở: liên hệ với các xã vùng cao lân cận như xã Thạch Bình, Phú Sơn để có điều kiện giúp nhân dân địa phương sơ tán; đôn đốc các hộ kê cao tài sản lên sàn, lên gác, chuẩn bị thuyền, bè, lương thực, thực phẩm, nước uống; chằng chống nhà, cửa; kiểm đếm, rà soát các nhà có nguy cơ đổ sập, thống kê các hộ có người già, trẻ em, neo người....tổ chức sơ tán người, vật nuôi đến nơi an toàn; báo cáo thống kê thiệt hại, tổ chức khắc phục hậu quả sau bão, lũ....
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quách Văn Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Đức Long kiến nghị: Để thực hiện tốt phương châm: Phòng là chính, chống phải tích cực, địa phương rất mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông cho nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ, như: Tuyến đường và kênh mương vùng ngoài đê hàng năm bị lũ tiểu mãn gây sạt lở đang ảnh hưởng đến giao thông nội đồng, cản trở việc sản xuất nông nghiệp của khu vực....
Đồng thời tăng cường hỗ trợ ngân sách (bằng vật tư) cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm....
Minh đường