Thành phố Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người, diện tích đất tự nhiên trên 3.300 km2, trong đó đất nông nghiệp có khoảng 188 nghìn ha. Hiện, khả năng sản xuất tại chỗ của thành phố mới đảm bảo khoảng 69% nhu cầu thịt, 32% thủy sản, 38% gạo tẻ chất lượng, 60% rau - củ - quả và 18% trái cây tươi. Hà Nội có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm...
Tuy nhiên, mới có khoảng 20% lượng nông sản thực phẩm chuyển về tiêu thụ tại Hà Nội là có chứng nhận và nguồn gốc xuất xứ.
Về phía Ninh Bình, trong những năm qua nông nghiệp Ninh Bình phát triển ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực. Với địa hình phong phú, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, các mặt hàng nông sản của Ninh Bình hết sức phong phú, trong đó có nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: Lúa chất lượng cao, rau xanh, hoa quả, cây dược liệu. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều con nuôi đặc sản như lợn rừng, dê núi, vịt trời, ngao, cá trắm đen…
Đặc biệt, thời gian gần đây, công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản được tăng cường; hoạt động thông tin, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có kiểm soát, an toàn, có chứng nhận.
Tuy nhiên, các loại nông sản của Ninh Bình hiện vẫn chủ yếu được tiêu thụ qua thương lái; các cơ sở sản xuất trên địa bàn vẫn còn khá xa lạ với thị trường Hà Nội.
Tại buổi làm việc, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản của Ninh Bình đã chào hàng, giới thiệu sản phẩm như mắm tép Gia Viễn, vịt trời, rau an toàn Yên Khánh, cơm cháy Tràng An… đến với các đơn vị của Hà Nội.
Nhìn chung, đối tác đánh giá cao về chất lượng và hứa sau khi kiểm tra thực tế, xem xét quy trình sản xuất cũng như chứng thực chất lượng, họ sẽ đưa vào hệ thống phân phối.
Hai bên cũng thống nhất: Thời gian tới để việc kết nối có hiệu quả hơn, hai bên cần công bố đầu mối liên kết, đồng thời Hà Nội sẽ đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản thực phẩm về Thủ đô, sau đó cung cấp thông tin, công khai cho các doanh nghiệp biết để triển khai. Ninh Bình cần đẩy mạnh giám sát, chứng nhận chất lượng sản phẩm cho các HTX, đơn vị sản xuất…
Mục tiêu đặt ra là ngay dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu sẽ có ít nhất 5-10 đặc sản của Ninh Bình được kết nối, tiêu thụ rộng rãi qua các kênh phân phối chính thức phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Hà Phương