Các hình thức cụ thể như: Tổ chức các đợt học tập, nghiên cứu Nghị quyết của Đảng, của Công đoàn, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Xây dựng người cán bộ công chức, viên chức trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu"... Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công nhân lao động. Tuy vậy, tình trạng vi phạm Luật Lao động, nhất là việc bảo đảm các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định còn khá phổ biến. Việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động còn nhiều khó khăn đã và đang đặt ra những vấn đề bức xúc làm cho quan hệ lao động có xu hướng phức tạp, dẫn đến một số vụ đình công trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay, ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa xây dựng được các thiết chế, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền như: Nhà văn hóa, thư viện, nơi sinh hoạt, hội họp của người lao động. Phần lớn công nhân, lao động phải thuê nhà ở trong điều kiện chật chội, khó khăn, thiếu thốn, không có đài, ti-vi, sách báo và các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần. Số đông công nhân xuất phát từ nông thôn, chưa được bồi dưỡng giác ngộ về giai cấp, hiểu biết chưa đầy đủ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp tuyên truyền pháp luật giữa công đoàn với các cơ quan chức năng chưa thường xuyên. Trong khi đó, công tác tư vấn pháp luật còn nhiều bất cập do đội ngũ tư vấn còn hạn chế về năng lực, trình độ, phương pháp tuyên truyền. Một số doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn nên người lao động chưa có cơ hội để tiếp cận các kiến thức về pháp luật lao động...
Khắc phục tồn tại, LĐLĐ tỉnh đã yêu cầu LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật trong công nhân lao động, hướng mạnh hoạt động tư vấn pháp luật về cơ sở. Đặc biệt, Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh (khóa XIII) đã ra Nghị quyết số 10 ngày 12-1-2009 về "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật lao động cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp". Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động công nhân, lao động trong thời gian tới phải được tiến hành bằng các biện pháp tổng hợp, với các hình thức sinh động, có nghệ thuật, khoa học. Nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với tính khác biệt, đặc thù giữa các loại đối tượng công nhân, lao động trong từng loại hình cơ sở, thuộc các thành phần kinh tế và sự khác biệt về trình độ, tâm lý, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp của công nhân, lao động.
Hội thi "Tìm hiểu kiến thức pháp luật trong cán bộ, CNVC-LĐ năm 2009" do LĐLĐ thị xã Tam Điệp tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua là một trong những cách đưa pháp luật đến với đoàn viên công đoàn cũng như quần chúng nhân dân. Tranh tài tại Hội thi tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, CNVC-LĐ của thị xã Tam Điệp có 29 thí sinh thuộc 5 đội tuyển đến từ công đoàn khối doanh nghiệp, khối xã phường và khối hành chính sự nghiệp, đó là các đội: Công đoàn ngành Giáo dục thị xã; Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp; Công ty Môi trường đô thị Tam Điệp; công đoàn cơ sở phường Bắc Sơn, xã Yên Bình.
Đến với Hội thi "Kiến thức pháp luật trong cán bộ, CNVC-LĐ" thị xã Tam Điệp, người xem đã thực sự bất ngờ và hứng khởi bởi sự xuất sắc của 5 đội tuyển qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức, trắc nghiệm. Ngoài ra, còn có phần thi dành cho khán giả. Với phần thi "Chào hỏi", các thí sinh đã chứng tỏ sự sôi nổi, nhiệt tình và thực sự là những công nhân lao động "đa tài" khi họ "hóa thân" vào các vai diễn trong các tiểu phẩm: "Nghỉ phép", "Điều giác ngộ", "Đột xuất"…Nội dung câu hỏi lý thuyết xoay quanh các vấn đề về Luật Lao động, Luật Công đoàn; Luật Bình đẳng giới và Luật BHXH... như: "Người tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả các chi phí nào?"; "Người lao động được hưởng các chế độ nào khi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp?"; "Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân?"…
Anh Phạm Sơn Thu (đội trưởng đội tuyển công đoàn ngành Giáo dục thị xã), đội đạt giải nhất vui vẻ cho biết: Các thành viên trong đội được tuyển chọn từ 2 Trường: Mầm non xã Đông Sơn và Tiểu học xã Đông Sơn nên đội đã phải cố gắng rất nhiều trong việc thống nhất thời gian tập luyện kịch bản cũng như tranh thủ tìm hiểu kiến thức pháp luật. Lợi thế của đội tuyển là thư viện của các nhà trường có rất nhiều tài liệu tham khảo. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu thêm qua hệ thống sách báo, Internet… Tuy thời gian chuẩn bị ít (chỉ có 5 ngày để tập luyện) nhưng phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ, đoàn viên công đoàn, sự ham học hỏi của các thành viên, đội tuyển đã luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, Ban giám hiệu 2 nhà trường và của ngành nên đội tuyển đã giành được kết quả tốt.
Theo đồng chí Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Tam Điệp, Trưởng Ban tổ chức Hội thi "Tìm hiểu kiến thức pháp luật trong cán bộ, CNVC-LĐ", đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh và hết sức cần thiết. Hội thi đã tạo ra sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho công nhân lao động trên địa bàn thị xã, tạo điều kiện cho họ thể hiện tài năng, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước... Trong công tác tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động rất cần có những hội thi như thế này để các nội dung pháp luật vốn "khô cứng" sẽ được "mềm hóa" qua các vở kịch, câu hỏi ngắn gọn dễ hiểu, súc tích..., như vậy sẽ "thấm" vào lòng người hơn.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa