Với vai trò đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai, phối hợp tập huấn, dạy nghề, khảo nghiệm nhiều giống cây trồng, con nuôi, nghề mới cho nông dân như lúa cao sản, lúa chất lượng cao, nuôi dê, thỏ, gà sinh học, tôm, cá, nghề cắt may công nghiệp, đan lát xuất khẩu, chế tác mỹ nghệ... tạo ra giá trị, sản lượng, năng suất cây trồng, con nuôi, những cánh đồng, hộ gia đình thu nhập cao.
Thực tế những năm qua cho thấy, các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi thu hút nhiều người tham gia và mang lại hiệu quả rõ nét. Với chức năng của mình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực triển khai đồng loạt nhiều chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, đưa tiến bộ đến tận hộ gia đình, qua các mô hình trình diễn, khảo nghiệm mới.
Trung tâm đã cùng với các đơn vị liên quan tích cực hướng dẫn nông dân kỹ thuật xử lý ngâm ủ hạt giống, chăm sóc, bảo vệ, chống rét cho mạ, làm đất, bón phân, chống rét cho gia súc, gia cầm, khắc phục hiện tượng lúa sinh trưởng, phát triển chậm. Tập huấn hướng dẫn nông dân mở rộng quy mô cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, nuôi gà an toàn sinh học, nhân giống lạc, đậu tương, làm đất bằng cơ giới hóa, thâm canh rừng nguyên liệu.
Trong năm 2008, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình như: Mô hình khảo nghiệm tập đoàn 12 giống lúa lai tại xã Khánh Thượng (Yên Mô); khảo nghiệm 9 giống lúa lai tại HTX Trung Bãi Trữ (Ninh Giang, Hoa Lư); trình diễn phân bón NPK Ninh Bình tại xã Liên Sơn (Gia Viễn); trình diễn lúa gieo thẳng bằng giàn gieo sạ kéo tay cải tiến ở Khánh Thượng (Yên Mô); mô hình thâm canh lúa cao sản 20 ha ở Khánh Cường (Yên Khánh); thâm canh cây keo lai hom 64 ha ở Kỳ Phú, Phú Long (Nho Quan).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm đã đưa vào mô hình cải tạo đàn bò hướng thịt với trên 15 nghìn con bò cái phối giống tạo ra được gần 14 nghìn con bê lai; triển khai đề tài nuôi ếch lồng Thái Lan với quy mô 76 nghìn con; mô hình nuôi gà an toàn sinh học quy mô 12,5 nghìn con; phát triển nuôi dê, thỏ địa phương. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 30 lớp tập huấn cho 600 hộ dân, tuyên truyền cho 1 hộ dân về lợi ích của công trình khí sinh học trong chăn nuôi. Từ thành công và hiệu quả của các mô hình mà Trung tâm triển khai đã được nông dân áp dụng, nhân ra diện rộng ở các địa phương trong tỉnh.
Trong những năm qua Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện rõ nét vai trò trung gian đưa KHKT đến với người nông dân trong tỉnh. Hàng trăm mô hình cây, con mới được các cấp Hội thường xuyên triển khai, thử nghiệm, nhân rộng cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản... Trong năm 2008, các cấp Hội đã tổ chức được 2.149 buổi chuyển giao KHKT cho gần 130 nghìn hội viên nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phòng trừ dịch bệnh. Hội đã tích cực phối hợp với Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình tổ chức 95 buổi tập huấn chuyển giao KHKT về sử dụng nâng cao hiệu quả phân bón NPK tổng hợp cho 12.150 lượt hội viên nông dân; triển khai 4 mô hình khảo nghiệm phân bón NPK trên 8 ha lúa ở các xã Tân Thành, Chất Bình (Kim Sơn), Quảng Lạc, Thượng Hòa (Nho Quan); phối hợp với Công ty TNHH VIC tổ chức 4 lớp chuyển giao KHKT về chăn nuôi cho 360 lượt hội viên nông dân và xây dựng 2 câu lạc bộ chăn nuôi tại xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp).
Đóng góp của Hội đã góp phần tạo nên 126 cánh đồng có thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm và 613 trang trại thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm của toàn tỉnh. Các cấp Hội nông dân còn làm tốt việc dạy nghề, cùng với các doanh nghiệp, các ngành tổ chức 103 lớp dạy nghề cho 4.120 hội viên nông dân tham gia như: Dệt móc len, thêu ren xuất khẩu, cắt may công nghiệp, mây tre đan xuất khẩu, đan chiếu trúc xuất khẩu. Nhiều mô hình duy trì đạt kết quả tốt như mô hình thêu ren xuất khẩu ở xã Gia Tân (Gia Viễn), mô hình chiếu trúc xuất khẩu cho nông dân thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh), chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân (Hoa Lư)...
Trong năm, Hội tiếp tục triển khai Đề tài khoa học về mô hình lúa chất lượng cao tại xã Khánh Trung (Yên Khánh), xã Quảng Lạc (Nho Quan) trên diện tích 22 ha, với 3 loại giống N46, HT1, Bắc thơm số 7. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn triển khai nhiều mô hình mới cho người nghèo như mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Kỳ Phú, nuôi ương cá mè giống tại xã Thạch Bình, nuôi thỏ NiuDilân, nuôi bò sinh sản, gà thả vườn...
Bên cạnh những thuận lợi, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế ở không ít những xã nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với tổ hợp, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp dạy nghề như chẻ tăm hương, thêu ren... cho các lao động trên địa bàn, thậm chí một số đơn vị còn bỏ toàn bộ kinh phí cho các lớp học, thế nhưng ngay sau đào tạo thì việc duy trì nghề rất ít, có khi không trụ lại được. Nguyên nhân không chỉ do ý thức, trình độ hạn chế của nông dân mà còn do thị trường tiêu thụ bấp bênh, thu nhập thấp, mẫu mã thay đổi, sản phẩm đầu ra khó khăn, việc sản xuất không tập trung, mà mạnh ai nấy làm, không có người đứng ra tổ chức bao tiêu sản phẩm... Bởi vậy, để khoa học kỹ thuật đến với nông dân một cách hiệu quả, trước hết người nông dân phải có ý thức tiếp thu, đồng thời cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tạo sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Thủy