Di sản là nguồn lực của du lịch Trao đổi về vị trí quan trọng của du lịch di sản trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Đến nay trên thế giới có 1.121 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới, trong đó có 869 di sản văn hóa, 213 di sản tự nhiên và 39 di sản hỗn hợp. Việt Nam sở hữu khoảng trên 3.000 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trải dài trên cả nước, trong đó có 8 di sản thế giới, gồm 4 di sản văn hóa, 3 di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm các khu Di sản Thế giới thu hút hàng triệu lượt khách tới thăm, bởi di sản thế giới là những khu vực có giá trị nổi bật về cảnh quan tự nhiên, văn hóa, kiến trúc độc đáo và hệ sinh thái đa dạng, phong phú, được ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tuyển chọn kỹ lưỡng theo các quy định của Công ước 1972.
Với diện tích 12.254 ha, Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhận diện. Đó là 29 di tích lịch sử cấp tỉnh, 20 di tích cấp quốc gia, tiêu biểu là: Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; Tam Cốc - Bích Động.
Di sản là nguồn lực cho du lịch phát triển, ngược lại du lịch được các nhà bảo tồn coi là "cứu cánh quan trọng" trong nỗ lực bảo tồn và phát triển tại các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Nguồn thu từ hoạt động du lịch không chỉ hỗ trợ cho những nỗ lực bảo vệ di sản, môi trường sinh thái mà còn giúp cho người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Du lịch di sản là những hoạt động kết nối du khách với văn hóa, môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư địa phương ở các khu di sản. Là loại hình du lịch có hàm lượng văn hóa cao, tôn trọng tự nhiên, du lịch di sản luôn được UNESCO và các quốc gia trên thế giới khuyến khích phát triển. Đây là loại hình du lịch tổng hợp cả du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng trên tinh thần tôn trọng, giữ gìn tính nguyên vẹn của các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Nhận thức sâu sắc những giá trị di sản vô giá, tiềm năng du lịch to lớn đó, tỉnh Ninh Bình luôn xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ninh Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, Ninh Bình đặt kế hoạch trở thành trung tâm du lịch lớn của vùng duyên hải Bắc Bộ, của cả nước cùng định hướng phát triển du lịch bền vững, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Những chủ trương, chính sách, quan điểm phát triển du lịch này đã tạo nên những động lực, cơ sở quan trọng huy động các nguồn lực xã hội ở trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển du lịch.
Chỉ tính từ năm 2010, các doanh nghiệp đã đầu tư khoảng gần 20.000 tỷ đồng cho phát triển du lịch Ninh Bình. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018, khách du lịch đến Ninh Bình tăng 12% mỗi năm, doanh thu du lịch tăng 25,4%/năm. Chỉ tính riêng năm 2018, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đạt 7,3 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.200 tỷ đồng.
Du lịch hiện tạo việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó có khoảng 15.000 là người dân địa phương tại các khu, điểm du lịch của tỉnh. Tại Quần thể danh thắng Tràng An hiện có trên 3.500 lao động làm du lịch, dịch vụ. Mỗi năm, nơi đây đón hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan.
Đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân
Vẫn theo đồng chí Bùi Văn Mạnh thì sự phát triển du lịch tại các khu vực di sản mang đến các nguồn thu đáng kể hỗ trợ kinh phí bảo tồn di sản và hỗ trợ cuộc sống của người dân địa phương sinh sống trong khu vực. Vấn đề quan trọng đặt ra đối với du lịch di sản là phải đảm bảo kết quả tích cực cho cả việc bảo tồn và phát triển cộng đồng dân cư, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc cân bằng giữa bảo tồn di sản, phát triển du lịch và nhu cầu con người của cư dân là vấn đề phức tạp và đầy thử thách, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên có liên quan: Cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp.
Du lịch di sản mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng. Cùng vì thế, hàng năm, các sở, ban ngành, địa phương tăng cường phối hợp các doanh nghiệp du lịch tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ chủ chốt ở các địa phương nằm trong vùng di sản.
Thông qua các hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử của địa phương, người dân sẽ biết rõ hơn về lịch sử và truyền thống góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.
Cộng đồng dân cư tại các khu di sản có nhiều vai trò trong ngành du lịch, vừa là những người lưu giữ, bảo vệ các giá trị của di sản, vừa tạo ra các yếu tố, sức hút về văn hóa thông qua cuộc sống, văn hóa ứng xử, sự thân thiện, mến khách, vừa là các nhà cung cấp các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, bán hàng lưu niệm, làm nghề thủ công mỹ nghệ… Phát triển du lịch và các hoạt động du lịch trong khu di sản đã tạo ra nhiều tác động tới cộng đồng dân cư.
Một trong những tác động rõ nhất khi phát triển du lịch trong các khu vực di sản đối với cộng đồng đó là làm thay đổi hệ thống sinh kế truyền thống, chiến lược sinh kế, phương thức sinh kế và các nguồn lực sinh kế (tự nhiên, con người, vật chất và xã hội).
Tại hội thảo Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản Thế giới quần thể danh thắng Tràng An tại Ninh Bình, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển du lịch di sản gắn với bảo tồn, đảm bảo sinh kế bền vững và công bằng cho người dân trong khu vực di sản là hết sức cần thiết và quan trọng.
Vấn đề cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan trong khu di sản phải được các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo để vừa bảo tồn được di sản cho các thế hệ tương lai, vừa phát triển du lịch và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.
Chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ di sản, tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành cùng với di sản. Sự cân bằng trong vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch di sản sẽ bị phá vỡ, nếu lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương không được đảm bảo.
Du lịch di sản là loại hình du lịch dựa căn bản vào nguồn lực di sản văn hóa và tự nhiên trên tinh thần tôn trọng các giá trị nguyên gốc và chân xác của di sản không chỉ tạo ra nguồn thu đóng góp cho việc giữ gìn, bảo tồn di sản, mà còn phải mang lại các lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp. Sự cân bằng, hài hòa lợi ích của cư dân địa phương, doanh nghiệp, du khách và nhà nước là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển du lịch di sản trong tương lai.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh