Chế phẩm AT Bio-Dercomposer được Viện Khoa học công nghệ nông nghiệp King Mongkut (Thái Lan) kết hợp với Công ty TNHH Công nghệ sạch nông nghiệp (Viện KHKT Nông, Lâm nghiệp phía Bắc) nghiên cứu và chọn lọc. Đây là sản phẩm sinh học bao gồm một tập hợp vi sinh vật có ích đã được chọn lọc thử nghiệm hoạt tính.
Các vi sinh vật có trong AT gồm các chủng vi sinh tạo ra những enzyme, giúp phân giải nhanh các chất hữu cơ khó hấp thụ thành dạng dễ hấp thụ cho cây trồng, rút ngắn thời gian ủ và giảm ô nhiễm môi trường. Sản phẩm có tính ưu việt, dễ thực hiện, thời gian phân hủy rất nhanh chỉ cần từ 5-7 ngày, giảm hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên đồng ruộng do vùi trực tiếp rơm rạ chưa được xử lý trên đồng ruộng.
Hơn nữa, khi sử dụng chế phẩm AT, người nông dân tiết kiệm được công sức lao động do không mất công thu gom rơm rạ, chất thải chăn nuôi, góp phần tăng năng suất lao động, giảm được chi phí sản xuất.
Nhận thấy tiện ích của chế phẩm AT, trung tuần tháng 7 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tổ chức 3 lớp tập huấn với 270 hội viên tham gia cho các xã ở các huyện Gia Viễn, Yên Mô và Nho Quan. Cùng với việc được truyền đạt "Kỹ thuật sử dụng chế phẩm AT Bio-Dercomposer", các học viên được giảng viên của Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận cấp miễn phí 180 lọ chế phẩm AT và hướng dẫn thực hành trực tiếp việc sử dụng chế phẩm AT trên đồng ruộng.
Đồng chí Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Viễn cho biết: Xuất phát từ việc người dân đốt rơm, rạ quá mức; một số nông dân chịu khó hơn thì gom rơm, rạ thành đống rồi xử lý theo cách cũ nên ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của bà con... thì những lớp tập huấn này tại các địa phương là rất hữu ích. Với cách xử lý rơm, rạ như trước, nhà nông không chỉ tốn nhiều công sức, thời gian mà còn chậm thời vụ; còn cách xử lý này thì ngược lại, giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.
Được biết, khi sử dụng chế phẩm AT trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, lá, cây cỏ…) và chất thải chăn nuôi giúp cho người nông dân tận dụng làm phân bón hữu cơ ngay trên đồng ruộng, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí sử dụng phân bón khác trên đồng ruộng, nâng cao năng suất cây trồng.
Cán bộ, hội viên nông dân tham gia lớp tập huấn là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng.
Ông Lê Văn Khôi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận, cho biết: Đã có nhiều tỉnh như Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Giang… đã thực hành cách làm trên với mỗi tỉnh khoảng vài chục ha. Quy trình xử lý rơm, rạ với chế phẩm AT rất đơn giản và hiệu quả. Sau khi người dân thu hoạch lúa xong, phun chế phẩm đều trên gốc rạ, sau đó cày lật gốc rạ hoặc đưa cơ giới hóa vào dập lồng để rơm, rạ nằm dưới mặt nước, trong lòng đất.
Sau thời gian ủ khoảng hơn mười ngày là có thể cấy vụ mới được. Chế phẩm AT rất rẻ, nhanh, tiện, không độc hại và rất hiệu quả. Một ha đất cấy sử dụng chế phẩm này chỉ mất khoảng 450 nghìn đồng. Chế phẩm này khi đưa vào xử lý đã giảm ô nhiễm, sâu bệnh, tăng độ phân hủy, nên người dân gieo cấy kịp thời vụ hơn.
Theo thống kê, nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp, mỗi năm cả nước gieo trồng gần 10 triệu ha (lúa, ngô, sắn, lạc, đậu tương, mía, khoai lang…).
Đáng chú ý, mới có khoảng 18% số phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt, làm nhiên liệu công nghiệp, làm thức ăn gia súc... Còn lại hơn 80% phế phụ phẩm trồng trọt chưa được sử dụng, bị đốt hoặc thải trực tiếp ra đồng ruộng, kênh mương... gây ô nhiễm môi trường.
Viện Môi trường Nông nghiệp nghiên cứu và cho thấy, sau mỗi vụ thu hoạch 1 ha lúa sẽ cho thu được 8 tấn rơm rạ. Chưa tính chất thải chăn nuôi, với diện tích trồng trọt hiện tại, lượng phế phụ phẩm từ trồng trọt của nông nghiệp thải ra gần 100 triệu tấn mỗi năm, nếu được xử lý sẽ đem lại từ 40-45 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học, sẽ tiết kiệm được 22 đến 25 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy rằng, do quá trình phân hủy, sử dụng sai mục đích nên khả năng phát sinh phế phụ phẩm từ trồng trọt nói chung và chất thải chăn nuôi nói riêng là rất lớn. Vì vậy, việc xử lý bằng các chế phẩm sinh học giúp người nông dân vừa tiết kiệm chi phí, sức lao động, vừa giảm ô nhiễm môi trường, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, rất cần được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh