Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có cái nhìn tổng quan hơn về du lịch Ninh Bình trong thời điểm hiện nay.
Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, kinh tế du lịch đang được Ninh Bình đặt lên hàng đầu, đồng chí cho biết đôi chút về ngành công nghiệp không khói?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Trong bản đồ du lịch Việt Nam, du lịch Ninh Bình được xếp vào top có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây kinh tế du lịch của tỉnh đã có những kết quả đáng ghi nhận. Sự tăng trưởng số lượng du khách đạt trên 20%, trong đó lượng khách quốc tế tăng mạnh. Bên cạnh đó, du lịch Ninh Bình đang nằm trong top đầu của khu vực về phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật (hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú). Điều này cho thấy việc tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là hướng đi đúng, phù hợp trong tiến trình phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo. Từ chỗ chưa tạo được nhiều ấn tượng với du khách, đến nay, Ninh Bình đã và đang trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.
P.V: Trong khi Ninh Bình có rất nhiều lợi thế để phát triển các ngành kinh tế khác nhưng vì sao tỉnh lại xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế trọng điểm, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Do đặc điểm về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt điều kiện về lịch sử, văn hóa và tập quán của người dân đã mang đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch nhanh chóng và thực sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm kéo các ngành kinh tế khác. Tỉnh ta đã nhìn ra lợi thế này từ rất sớm. Năm 1995, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch và đến nay sự nhận thức về du lịch đã toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn. Việc quy hoạch tổng thể phát triển du lịch từ sớm đã tạo nên một chiến lược bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch thể hiện ở những kế hoạch mang tầm vĩ mô và vi mô, trong đó cốt lõi phải kể đến Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, đây là đòn bẩy quan trọng cho du lịch Ninh Bình "cất cánh" và thực sự phát triển trong 3 năm trở lại đây.
Trong quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, tỉnh cũng đã chú trọng đặc biệt đến chiến lược về nhân lực cho ngành du lịch. Cụ thể, đó là kế hoạch đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề làm du lịch có trình độ từ trung cấp trở lên. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, mỗi người dân đã thực sự trở thành những "tuyên truyền viên" cho việc quảng bá du lịch Ninh Bình thông qua những việc làm thiết thực như: Quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cuộc hội thảo, hội nghị trong và ngoài tỉnh…
P.V: Như vậy có thể nói, Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch là một dấu mốc quan trọng của ngành du lịch. Đồng chí có thể cho biết một số kết quả từ khi triển khai Nghị quyết 15?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy đã xác định kinh tế du lịch là công việc không của riêng ai nên đã phát động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nâng cao nhận thức về kinh tế du lịch cho từng người dân. Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy, với sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã và đặc biệt là của các doanh nghiệp, du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Số lượng du khách tăng nhanh. Năm 2009 là 2,199 triệu lượt khách, năm 2011 là 3,247 triệu lượt, tăng 35,2% so với năm 2009; doanh thu từ du lịch năm 2009 đạt 251 tỷ đồng, năm 2011 đạt 655 tỷ đồng (tăng 161%). Riêng 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã đón 2.899.663 lượt khách, doanh thu ước đạt 447,088 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát triển các điểm đến du lịch trên các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, sinh thái và tâm linh, Ninh Bình cũng quan tâm tới việc khuyến khích đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng tốt nhất nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Đến nay, toàn tỉnh có 229 cơ sở lưu trú với 3.692 phòng nghỉ và trong số ấy có 26 cơ sở lưu trú được công nhận đạt hạng từ 1 đến 2 sao, chiếm 11,6% tổng số cơ sở lưu trú và 6 cơ sở lưu trú cao cấp tương tương 4 đến 5 sao với gần 800 phòng ngủ. Ngoài ra tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao tại các khu dịch vụ du lịch trên địa bàn. Như vậy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao hơn tỷ lệ tăng trưởng số lượt du khách, điều đó thể hiện du lịch Ninh Bình đã phát triển về chất lượng và hiệu quả. Hay nói cách khác, du lịch Ninh Bình đã phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn.
P.V: Mặc dù du lịch Ninh Bình đang bước vào giai đoạn phát triển đồng bộ nhưng thực sự chưa xứng tầm với tầm vóc cũng như ý tưởng mà các nhà hoạch định đã đưa ra. Vậy theo đồng chí đầu là rào cản của du lịch tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Du lịch Ninh Bình đã tạo được những ấn tượng lớn không chỉ trong kinh tế toàn tỉnh mà còn khẳng định chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam nhưng chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại khiến du lịch Ninh Bình chưa thực sự mang tầm vóc đáng có.
Có rất nhiều các nguyên nhân nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là rào cản về nhận thức. Mặc dù số đông trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thấy phát triển du lịch là phương án tối ưu trong các phương án phát triển kinh tế ở tỉnh ta nhưng vẫn còn một số ít người nhận thức ăn sổi, có cái nhìn trước mắt để phát triển kinh tế nóng với tính chất bất chấp, nhiều khi nhìn du lịch là vật cản. Sự nhận thức về du lịch của một số người vẫn chưa đúng tầm, coi du lịch chỉ là một ngành giải trí thông thường chứ chưa nhận thức được du lịch là một ngành kinh tế trọng tâm đang phát triển.
Thứ hai là rào cản về đầu tư, với một tài nguyên du lịch để có một nền du lịch xứng tầm thì đòi hỏi tổng mức đầu tư cho du lịch phải gấp hàng nghìn lần như hiện nay. Khó khăn về nguồn vốn đã khiến các sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và phát triển chưa đồng bộ. Như vậy, để đánh thức nguồn đầu tư từ nhiều phía, đặc biệt là từ các doanh nghiệp thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn Đảng bộ.
Rào cản thứ ba của du lịch đó là sự phối kết hợp chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, giữa nhân dân với doanh nghiệp với nhà đầu tư, giữa nhân dân với chính quyền địa phương, điều này làm cho du lịch Ninh Bình chưa phát huy hết hiệu quả mà nó đang có.
P.V: Những rào cản này không phải ngày một ngày hai có thể xóa bỏ được nhưng trước mắt tỉnh ta đang có những giải pháp nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Với nhận thức "tài nguyên hữu hình có hạn", Ninh Bình đang chuyển hướng ưu tiên phát triển du lịch và coi đó là mục tiêu phát triển bền vững. Sự chuyển hướng này đã mang lại tốc độ tăng trưởng của du lịch Ninh Bình ở mức cao trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, sự phát triển như vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, để đạt được các mục tiêu về phát triển du lịch Ninh Bình hiện tại chúng ta đang triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể để đưa ngành du lịch thực sự trở thành thế mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Về mặt nhân lực, Ninh Bình đang tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực du lịch. Tiếp tục chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề mang tính chuyên nghiệp cho những người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch. Mục tiêu đến năm 2015, ngành du lịch Ninh Bình phấn đấu tạo ra từ 8.000 đến 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hơn 20.000 lao động có thu nhập gián tiếp từ du lịch.
Về sản phẩm du lịch, Ninh Bình cũng đang triển khai nâng cấp và làm mới lại các sản phẩm dịch vụ du lịch. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch để thu hút khách du lịch lưu trú tại Ninh Bình và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương. Tham gia các hội chợ thương mại du lịch quốc tế nhằm đưa thông tin về Ninh Bình đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Với những nỗ lực ấy, tin Ninh Bình sẽ thành công trong việc chuyển hướng phát triển kinh tế, đưa du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)