Dự án này đạt giải nhất trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học tỉnh Ninh Bình, sau đó được chọn đi dự thi quốc gia và đạt giải nhất lĩnh vực Robot và máy thông minh trong Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Bắc, được chọn vào vòng dự thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế. Dự án đã được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi. Với giải nhất cuộc thi KHKT quốc gia, cả hai em đều được tuyển thẳng vào một số trường đại học, trong đó, Giang Quốc Hoàn đã chọn khoa Tự động hóa - Trường Đại học Bách Khoa và Đỗ Hữu Toàn chọn Khoa Vật lý - Trường Đại học Quốc gia để theo học. Hiện giờ, các em chỉ phải dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 để xét tuyển tốt nghiệp THPT.
Theo hai em Giang Quốc Hoàn và Đỗ Hữu Toàn, trong quá trình học tập tại trường, các em nhận thấy, Hóa học là môn khoa học thực nghiệm, có tính đặc thù, lý thuyết cần được gắn với thực hành. Trong khi, phòng thí nghiệm tại các nhà trường là nơi học tập, nghiên cứu thường chưa đầy đủ, đồng bộ các trang thiết bị và dụng cụ thực hành để đảm bảo về độ an toàn, dễ xảy ra cháy nổ, hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên và học sinh, dẫn đến tình trạng ngại thực hiện các thí nghiệm thực hành. Để giải quyết những khó khăn đó, hai em Hoàn và Toàn có chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tìm tòi chế tạo thành công robot phục vụ các thí nghiệm hóa học tại trường, khắc phục cơ bản tình trạng phải sử dụng con người trong việc lấy các mẫu hóa chất độc hại, góp phần đưa những thí nghiệm môn Hóa học vào giảng dạy và học tập hiệu quả hơn trong các tiết học.
Theo đánh giá, việc sử dụng robot trong các thí nghiệm hóa học ngoài đảm bảo an toàn cho con người còn bảo vệ môi trường và giảm chi phí cho việc đầu tư mua hóa chất. Nếu như trước kia, cùng 1 thí nghiệm phải thực hành nhiều lần, có thể phải tiếp xúc trực tiếp bằng tay các dụng cụ đựng hóa chất để đảm bảo các nhóm học sinh đều được thực hành, không chỉ gây tốn kém mà còn mất nhiều thời gian và khó giám sát được toàn bộ học sinh cùng thực hiện trong lớp học. Nay, nhờ sử dụng robot thực hiện thì chỉ cần tiến hành một lần, các bước thí nghiệm được trình chiếu trên máy chiếu để học sinh có thể dễ dàng quan sát, phục vụ việc giảng dạy bằng phương pháp trực quan, mang lại hiệu quả cao.
Với việc chế tạo thành công robot thí nghiệm hóa học, giờ đây, các tiết thực hành môn hóa học tại Trường THPT Hoa Lư A trở nên lý thú, an toàn và thu hút hơn đối với các giáo viên và học sinh. Tất cả các thí nghiệm từ đơn giản đến phức tạp đều có thể tiến hành nhờ sử dụng cánh tay robot. Đồng thời các thí nghiệm được đưa vào lớp học đều rất trực quan, tự động, chính xác và an toàn.
Được biết, từ lúc hình thành ý tưởng đến khi hoàn thành dự án, hai học sinh Giang Quốc Hoàn và Đỗ Hữu Toàn chỉ có khoảng thời gian hơn 6 tháng để nghiên cứu, sáng tạo. Từ những kiến thức của môn vật lý, tin học, hóa học được học trong nhà trường, các em còn chịu khó tìm tòi, học hỏi trên nhiều kênh khác nhau để áp dụng trong quá trình chế tạo robot. Bên cạnh đó, các em còn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhà trường và của các thầy, cô giáo bộ môn. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên bộ môn Vật lý, người đồng hành cùng các em trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thiện dự án cho biết, việc sáng tạo robot này không chỉ giúp ích trong thực hành bộ môn hóa học, mà với sự đam mê nghiên cứu của các em, sản phẩm này có thể ứng dụng rộng rãi hơn đối với các môn học như giải phẫu sinh học, hay các lĩnh vực y khoa.
Thầy Tú cũng hy vọng, sau khi đã nắm vững công nghệ hoạt động của cánh tay robot, Hoàn và Toàn sẽ mở rộng ứng dụng trong các lĩnh vực mới để nâng tầm sản phẩm, giúp thay thế con người giải quyết những công việc khó khăn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Được biết, sau cuộc thi tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam, các giải nhất từ hai cuộc thi sẽ thi thuyết trình tiếng Anh để chọn ra 8 dự án tham dự giải Intel ISEF tại Mỹ. Mặc dù được chọn vào vòng dự thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế, nhưng do trình độ tiếng Anh còn có mức độ nên việc thuyết trình bằng tiếng Anh dự án "Robot thí nghiệm hóa học" của Giang Quốc Hoàn và Đỗ Hữu Toàn đã không được chọn dự thi quốc tế. Điều này không làm Hoàn và Toàn nhụt ý chí mà các em quyết tâm hoàn thiện hơn dự án để tiếp tục dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ IX, với mong muốn tiếp tục được công nhận ở các giải thưởng lớn hơn, phấn đấu Dự án có thể được tham gia dự thi các cuộc thi lớn ở trong nước và nước ngoài.
Mỹ Hạnh