Giai đoạn II dự án CCHC tỉnh được triển khai từ tháng 6-2006 đến tháng 6-2011 với mục đích chính là hỗ trợ tăng cường hiệu lực, hiệu quả của 3 cấp chính quyền nhằm phục vụ nhân dân và xóa đói, giảm nghèo. Qua 5 năm triển khai, đã có 10 sở, ngành và 7 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của dự án.
Theo đồng chí Phạm Văn Bằng, Giám đốc Ban quản lý dự án CCHC tỉnh, với phương pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, dự án CCHC giai đoạn II đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với Chiến lược Tổng thể cải cách nền hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006-2010, đặc biệt là những vấn đề mang tính bao quát như giảm nghèo, bình đẳng giới, dân chủ cơ sở...
Để đảm bảo các chương trình hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, dự án đã tiến hành điều tra xã hội học tại 5 xã điểm và các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp làm cơ sở xây dựng báo cáo đánh giá về đói nghèo, dân chủ cơ sở và bình đẳng giới.
Nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của cộng đồng và phát triển bền vững dựa vào cộng đồng, dự án đã tiến hành xây dựng các mô hình câu lạc bộ giúp nhau giảm nghèo, mô hình cung cấp thông tin hai chiều thông qua hỗ trợ trang thiết bị cho các Trung tâm học tập cộng đồng và nhà văn hóa thôn. Từ đó, tổ chức các khóa đào tạo cung cấp kỹ năng phân tích nguyên nhân đói nghèo, kỹ năng lập kế hoạch, giám sát đánh giá các chương trình giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Đồng thời tiến hành chuyển giao kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất vật nuôi, cây trồng, kiến thức phát triển KT-XH cho các hộ nghèo.
Với phương châm "Lấy phụ nữ làm trung tâm", dự án còn tập trung vào nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ nghèo tham gia các chương trình quản lý cộng đồng, giới thiệu và nhân rộng các mô hình phụ nữ giúp nhau thoát nghèo, mô hình nữ chủ hộ làm kinh tế giỏi giúp người nghèo tự tin hơn trong công việc hàng ngày.
Mặt khác, Ban Quản lý dự án còn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành biên soạn cuốn cẩm nang về công tác giảm nghèo với văn phong giản dị, dễ hiểu, mô tả quá trình thực hiện các biện pháp giảm nghèo giúp khắc phục những hạn chế về trình độ, kỹ năng của cán bộ cơ sở trong công tác giảm nghèo.
Đánh giá về tác động của dự án đối với công tác giảm nghèo tại địa phương, đồng chí Quách Văn Hạ, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình cho biết, được sự hỗ trợ của Dự án CCHC tỉnh, xã Thạch Bình đã xây dựng thành công mô hình Trung tâm học tập cộng đồng thành một địa chỉ phổ biến thông tin, chuyển giao KHKT phục vụ công tác giảm nghèo. Được hỗ trợ kỹ thuật, người dân trong xã đã mạnh dạn tham gia lập kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại tổng hợp, đưa những vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương như: thỏ, bò, lợn rừng, nhím, trâu, bò sinh sản vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương.
Cùng với đó, dự án còn tập trung hỗ trợ tăng cường năng lực tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chính quyền cơ sở thông qua việc phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở trên các lĩnh vực lao động, tài chính - kế hoạch, bình đẳng giới. Đồng thời xây dựng hệ thống các chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả các chương trình giảm nghèo giúp cải tiến phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ công chức cơ sở.
Bên cạnh đó, Dự án còn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tiến hành nhiều khóa bồi dưỡng ngắn ngày về kỹ năng giám sát thực hiện dân chủ cơ sở cho cán bộ MTTQ; kỹ năng giao tiếp của Ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải. Hỗ trợ hoàn thiện Quy chế giám sát dân chủ ở cơ sở giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của ủy ban MTTQ cấp xã, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng ngừa các hành vi tiêu cực, quan liêu của một bộ phận cán bộ, công chức, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Có thể khẳng định rằng, với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương, chương trình CCHC giai đoạn II đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp hàng nghìn lượt người ở vùng sâu, vùng xa được đào tạo kỹ năng xây dựng phương án phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Quốc Khang