Yên Khánh là huyện có nhiều thuận lợi để phát triển CN - TTCN và ngành nghề nông thôn. Trước những năm 2005, sản xuất CN - TTCN đã phát triển ở tất cả các xã, thị trấn nhưng với quy mô nhỏ lẻ, phân tán và chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Chính vì thế, từ năm 2006, Huyện ủy Yên Khánh đã ban hành Nghị quyết 04 về "Đẩy mạnh phát triển CN - TTCN và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2005-2010" và xác định đây là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông thôn, thu hút nhiều lao động nông nhàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, UBND huyện, các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hàng năm. Trong đó nêu rõ mục tiêu, giải pháp, những chính sách hỗ trợ để phát triển các ngành TTCN trên địa bàn huyện như: Phấn đấu giá trị sản xuất CN - TTCN bình quân hàng năm tăng 17%, dịch vụ tăng 14%. Tập trung phát triển 4 nghề chính là: Chế biến cói, thêu ren, chế biến lương thực và sản xuất nấm; phấn đấu giá trị sản xuất đến năm 2010 đạt 112 tỷ đồng, trong đó sản xuất hàng cói là 64 tỷ đồng, thêu ren gần 3 tỷ đồng. Các ngành, đoàn thể và địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức dạy nghề, bao tiêu sản phẩm ... Hàng năm, các doanh nghiệp: Thành Hóa, Nam Thoa, Nga Thanh, Ba Lan, HTX thêu Ngọc Bích… đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề làm hàng chế biến cói xuất khẩu, thêu ren, mành trúc cho gần một nghìn lao động. Đến nay, toàn huyện đã có 5 làng nghề truyền thống là làng nghề mây tre đan Đông Thịnh (Khánh Vân), nghề bún Khánh Ninh, nghề cói Bình Hòa (Khánh Hồng), nghề cói xóm 10 (Khánh Nhạc), nghề cói xóm 8 (Khánh Mậu). Một số nghề như nghề cói, thêu ren, mây tre đan… đang được duy trì, phát triển khá hiệu quả và thu hút hàng nghìn lao động mỗi năm. Giá trị sản xuất CN - TTCN bình quân mỗi năm đạt trên 100 tỷ đồng, năm 2008 ước đạt 141 tỷ đồng.
Nông dân Yên Khánh phát triển mạnh nghề trồng nấm.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đổi mới phương thức quản lý, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm đào tạo và sử dụng nhiều lao động của địa phương, nhất là lao động ở những nơi bị thu hồi đất để thực hiện các dự án, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động nhằm ổn định đời sống nhân dân và an ninh ở khu vực nông thôn. Đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ thợ giỏi có tay nghề cao và đảm bảo các chế độ, chính sách, lợi ích của người lao động nhằm thu hút người tài, lao động giỏi ở lại làm việc cho doanh nghiệp.
Điển hình như Doanh nghiệp Thành Hóa, thời gian qua đã tập trung đầu tư mở rộng sản xuất mặt hàng cói, nứa chắp, bẹ chuối, chiếu trúc xuất khẩu; tích cực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; doanh thu năm 2006 đạt 22 tỷ 438 triệu đồng và năm 2008 ước đạt trên 25 tỷ đồng. Doanh nghiệp Thành Hóa đã tạo việc làm cho 650 lao động tại cơ sở và 7.500 lao động nông nhàn trong và ngoài huyện với mức thu nhập từ 550 nghìn - 700 nghìn đồng/người/tháng...
Thanh Chiên - Đức Lam