Đây là những băn khoăn của các đại biểu tham dự Hội thảo Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội xuân 2018 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức chiều 31-1.
Đột biến số ca mắc và tử vong vì ngộ độc rượu
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết, trong giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu, làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Số vụ ngộ độc rượu chiếm 3,24% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm, chiếm 0,77% tổng số mắc nhưng tử vong chiếm tới 26,15% tổng số tử vong do ngộ độc.
Mặc dù số mắc, số tử vong và đi viện do ngộ độc rượu có xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến năm 2016, nhưng ông Hùng Long cho biết, trong năm 2017, số ca ngộ độc rượu, nhất là rượu methanol lại tăng đột biến. Năm 2017 xảy ra 10 vụ ngộ độc, làm 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết. Trong đó, vụ việc nổi bật nhất là vụ ngộ độc rượu tại Lai Châu ngày 13-2-2017 làm 10 người tử vong, hơn 40 người khác phải nhập viện điều trị.
Trong đó, số ca ngộ độc do rượu trắng chiếm 32,1% vụ, rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3% vụ. Rượu có hàm lượng methanol cao gây ra bảy vụ ngộ độc (25% tổng số vụ ngộ độc rượu), làm 106 người mắc (54,9% tổng số vụ) và làm 23 người chết (67,6% tổng số tử vong do ngộ độc rượu).
Tại Hà Nội, hai năm qua có 40 bệnh nhân tại 12 quận/huyện ngộ độc methanol, trong đó 12 bệnh nhân nặng xin ra viện, tử vong tại nhà. Chỉ riêng từ ngày 22-2-2017 đến 15-5-2017, Hà Nội có 31 ca bị ngộ độc methanol do uống rượu làm năm người tử vong.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện nay tỷ lệ ngộ độc rượu khoảng 1-2%/năm trong số các ca ngộ độc thực phẩm, nhưng tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 7%/năm. Đây là con số tử vong rất cao trong số các ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm.
Còn nhiều kẽ hở trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu
Thượng tá Bùi Đức Am, Phó trưởng Phòng 7 (Cục Cảnh sát Môi trường) cho biết, từ 10-3 đến 30-6, Công an các đơn vị đã xử lý 468 vụ với 470 đối tượng; đình chỉ hoạt động sản xuất của 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; tạm giữ hơn 66 nghìn lít cồn, rượu; tiêu hủy 51.629 lít rượu; chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố hai vụ, một bị can tại Hà Nội và Lai Châu.
Đại diện Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội cho biết, năm qua, Hà Nội đã kiểm tra 13.910 lượt cơ sở, niêm phong 118.445 lít rượu, 3.510 chai rượu các loại, 1.054 quả dừa có rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hà Nội đã cảnh cáo, xử lý 1.215 cơ sở và chuyển công an khởi tố một vụ.
Theo quy luật dịp Tết hàng năm, nhu cầu của thị trường về các mặt hàng thực phẩm trong đó có rượu luôn tăng cao. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất rượu ở trong nước sẽ tăng cường sản xuất, các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, trong đó vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật gây nguy ngộ độc rượu cho người tiêu dùng.
Tình trạng rượu "nhái"; sử dụng giấy tờ giả của cơ quan quản lý; sử dụng men không có nguồn gốc để sản xuất rượu; pha chế cồn công nghiệp vào cồn thực phẩm để tăng nồng độ của rượu… là những thủ đoạn tinh vi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu làm khó cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, kiểm soát sản xuất và kinh doanh rượu.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ, hiện khó khăn nhất trong việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh rượu là thói quen sử dụng rượu sản xuất thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ còn phổ biến trong nhân dân. Việc quản lý cơ sở sản xuất, bán rượu thủ công nhỏ lẻ tiêu dùng tại chỗ còn gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát, đặc biệt là các hộ gia đình nấu rượu truyền thống không kinh doanh trên thị trường nhưng vẫn bán rượu cho người thân quen theo kiểu trao tay. Một số hộ kinh doanh tạp hóa có bán rượu không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu, rượu không nguồn gốc.
Trước vấn nạn này, Thượng tá Bùi Đức Am đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) phối hợp với cơ quan chức năng sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại rượu thủ công, truyền thống. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) nhưng chỉ quy định giới hạn tối đa cho phép của một số chỉ tiêu đối với loại rượu vang, rượu mùi và rượu vodka, còn đối với các loại rượu thủ công hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật riêng mà áp dụng theo (TCVN 7043:2013) tiêu chuẩn về rượu trắng.
"Cần nghiên cứu lựa chọn một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét khởi tố để răn đe, phòng ngừa chung theo quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của các cán bộ, công thức khi thi hành công vụ" - Thượng tá Bùi Đức Am đề xuất.
Theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, để quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh rượu, các chính quyền địa phương ban hành các văn bản quản lý, thực hiện phân cấp, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm do cán bộ, công chức, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương. Bên cạnh đó các cơ quan liên quan cần tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, tự pha chế, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Thiên Lam/Báo Nhân dân