Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Trung ương, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc về lãi suất cho vay. Do đó, lãi suất hiện đã giảm đáng kể so với năm 2014 và ở mức trung bình từ 7-11,8%. Trong đó, lãi suất dưới 7% chiếm 11,8%; lãi suất từ 7-9% chiếm 35,2%; lãi suất từ 9-11% chiếm 41,2%; lãi suất trên 11,8% chiếm 10,8%. Với mức lãi suất này, các doanh nghiệp bắt đầu làm ăn có lãi và từng bước phục hồi.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, thanh khoản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn khá tốt. Các ngân hàng đang đầu tư vốn cho tất cả các lĩnh vực kinh tế trong xã hội. Đặc biệt trong những năm gần đây, nguồn vốn tín dụng đang tập trung nhiều vào các khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 9.050 tỷ đồng, chiếm 23,13% trên tổng dư nợ cho vay của các Ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Trong đó, dư nợ cho vay đối với 31 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh là 2.020 tỷ đồng, tăng 31,1% so với đầu năm, chiếm 22,32% trên tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; dư nợ cho vay chăn nuôi ước đạt 739 tỷ đồng, chiếm 1,89% trên tổng dư nợ, tăng 79,37% so với đầu năm; dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 1.739,7 tỷ đồng, tăng 5,25% so với đầu năm, với 98.666 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đang có những tín hiệu khởi sắc, nhất là sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đã tăng mạnh. Riêng 8 tháng đầu năm 2015, du khách đến với Ninh Bình đạt 4.931 nghìn lượt khách, tăng 34,4% so với cùng kỳ.
Do đó, dư nợ cho vay phát triển du lịch đang trên đà tăng trưởng đạt 1.113 tỷ đồng, chiếm 2,89% trên tổng dư nợ, tăng 79,37% so với đầu năm.
Một số nhóm có dư nợ cho vay giảm là: Dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 413 tỷ đồng, chiếm 1,06% trên tổng dư nợ, giảm 8,02% so với đầu năm. Nguyên nhân cho vay dư nợ xuất khẩu giảm do các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ và nông nghiệp, tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp còn thấp, do đó nguồn vốn cho vay theo chương trình xuất khẩu vẫn còn hạn chế; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh cũng giảm sâu, ước khoảng 16,59% so với đầu năm, đạt 3.404 tỷ đồng, chiếm 8,7% trên tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 121 tỷ đồng, chiếm 0,31% trên tổng dư nợ, giảm 22,92% so với đầu năm.
Để nguồn vốn tín dụng tăng trưởng thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất từ 1- 1,5%. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại, khi tỷ giá tăng 3%, lãi suất có thể tăng khoảng 1% thì việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là khó khăn.
Ông Lê Văn Hinh, Giám đốc Ngân hàng Công thương Tam Điệp cho rằng, lãi suất cho vay sẽ khó giảm, vì tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng hiện nay tương đối thấp, khoảng 2,5-2,7%. Nợ xấu vẫn đang ám ảnh ngân hàng, nên việc điều chỉnh giảm lãi suất là khó.
Mặc dù còn một số lĩnh vực, ngành nghề hấp thụ vốn chưa mạnh, song phải khẳng định rằng tăng trưởng tín dụng đang là điểm sáng của nền kinh tế.
Đặc biệt vào những tháng cuối năm, tín dụng sẽ còn tăng mạnh do đến thời kỳ tăng tốc sản xuất của doanh nghiệp. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng cho rằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay, ngành Ngân hàng Ninh Bình sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm