Nơi đây gắn liền với những địa danh lịch sử, văn hóa như Bến thuyền Nhà Lê, núi Phật Đầu Sơn, thửa ruộng Đấu Lính...
Trong cuốn "Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên" của cụ Nguyễn Tử Mẫn đã từng nói đến địa danh này:" Núi Hải Nham: Ở địa phận xã Hải Nham, huyện Yên Mô, Núi có động xuyên qua núi ấy thuyền đi thông tới địa phận xã Yên Bạc huyện Nho Quan. Động khuất khúc và tối om, đốt đuốc đi mất chừng nửa canh đến cửa động, có một con voi đá rất tự nhiên, thường gọi là hang Phật".
Để đến được động Thiên Hà có 2 cách: cách thứ nhất, từ Quốc lộ 1A rẽ theo đường vào Hoa Lư qua Bái Đính đến đường 12A thì rẽ trái, đi 2 km nữa có biển báo vào động Thiên Hà và Hang Bụt rẽ trái vào bản Thổ Hà. Cách thứ 2 từ quốc lộ 1A đến chỗ gặp tỉnh lộ 12A rẽ phải khoảng 9 km gặp biển báo vào động Thiên Hà và hang Bụt rẽ phải lần nữa. Sau đó từ bản Thổ Hà (Sơn Hà, Nho Quan) lên thuyền xuôi theo dòng kênh nhỏ có chiều dài khoảng 1km thuộc hệ thống chi lưu sông Bến Đang. Sau đó tiếp tục bộ hành trên con đường đá dài chừng 500 m ven chân núi Tướng để tới cửa động.
Động có chiều dài 700 m bao gồm động khô dài 200 m và động nước dài 500 m thông với nhau bởi một hành lang rộng.
Hang cạn có cửa thông lên sườn núi phía Nam, cửa hang hình mái nhà, rộng khoảng 2,5m, cao khoảng 3m, diện tích mặt nền khoảng 40 m, có một lỗ thông gần tròn hay còn gọi là giếng trời, phần ánh sáng tự nhiên có thể chiếu qua xuyên qua lỗ thông này tỏa xuống tận đáy hang khiến du khách không khỏi bất ngờ bởi vẻ đẹp huyền ảo của thế giới nhũ đá nơi đây.
Tiếp tục cuộc hành trình khám phá hang nước trên con thuyền nan lướt nhẹ, chúng ta sẽ bắt gặp, lớp lớp các khối thạch nhũ lung linh nhiều màu sắc đẹp như một dải ngân hà. Đặc biệt hang hầu như còn giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ với hàng vạn con dơi và nhiều trăn sinh sống. Ngoài ra hang còn có ngách thông ra thung Chim (xã Ninh Hải, Hoa Lư).
Bên cạnh những giá trị về cảnh quan, động Thiên Hà còn chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt. Năm 2008, các nhà khảo cổ học địa phương lần đầu tiên đã phát hiện một số vỏ nhuyễn thể như ốc núi, ngao đầu và than tro - dấu vết để lại của cư dân Việt cổ. Đến năm 2012, động Thiên Hà đã được Viện khảo cổ học và Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An thám sát theo dự án "Điều tra, thám sát và nghiên cứu các di tích khảo cổ học trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An Ninh Bình để xây dựng hồ sơ trình Unesco công nhận di sản thế giới".
Tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy vết tích của nhuyễn thể, công cụ cuội ghè đẽo, có cả mảnh tước của nhóm đá magma, những mảnh gốm thô với văn thừng đập thô, xương gốm mềm, thành dày, xương động vật trên cạn, mảnh mai và yếm rùa. Các di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể thu được đều có tuổi Holocene. Bước đầu có thể dự đoán niên đại của di chỉ thuộc Trung kỳ Đá mới, có tuổi từ 9.000 - 7.000 năm BP và Hậu kỳ Đá mới, có tuổi 4.000 năm BP. Cư dân ở đây sống và khai thác trọn vẹn trong môi trường biển tiến.
Như vậy tầng văn hóa được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong động Thiên Hà cho chúng ta một bức tranh sinh động về cuộc sống của người Việt Cổ với sự thích ứng và sáng tạo của cư dân văn hóa trước và sau biển tiến qua thời kỳ biển thoái trong thời đại Đá mới ở Quần thể các di tích Tràng An. Ngoài việc bảo lưu đậm nét truyền thống Hòa Bình và Đa Bút, cư dân tiền sử nơi đây đã tiên phong cách tân văn hóa, lối sống để thích nghi với môi trường biến đổi thể hiện rõ nhất ở tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, ở đồ gốm văn thừng đập không se, ở định hướng khai thác biển tại chỗ. Sống trong môi trường trước biển tiến và sau biển thoái, cư dân nơi đây sáng tạo nên dạng hình văn hóa mới, một trong những mắt xích quan trọng, mở đầu cho thời đại Kim khí, tiến tới văn minh ở vùng biển cổ Tràng An, Ninh Bình.
Hà Phương