Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn đào phai đang vào giai đoạn chăm sóc đặc biệt để chuẩn bị "tung" ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Cương phấn khởi cho biết, bà con Đông Sơn hết nghèo, hết khổ là nhờ những vườn đào này. Chẳng ai nhớ nổi cây đào phai xuất hiện ở Đông Sơn từ khi nào. Với bà con, đó là một "lộc trời". Nhưng thời xưa, người ta trồng đào phai chỉ để lấy quả thôi chứ chưa trồng để chơi hoa như bây giờ. Con đường dẫn lối lên vườn đào chênh vênh lưng chừng đồi, ngoằn ngòeo. Nhìn quanh, chẳng thấy đâu là nơi chứa nước tưới tiêu. Cuộc sống của bà con đã gặp nhiều khó khăn, khi số diện tích đất cằn này lên đến trên 300 ha, chiếm phần lớn tổng diện tích đất nông nghiệp của xã. Ông Chủ tịch UBND xã nói rằng: "Trước đây, diện tích đất đồi rừng này bà con trồng ngô, trồng sắn và một số loại hoa màu khác. Vì là đất đồi cằn, lại chẳng có hệ thống thủy lợi nên việc trồng cấy hết sức khó khăn. Nhiều hộ bỏ ruộng hoang đi tìm việc ở nơi khác. Cái đói, cái nghèo cứ vậy mà bám riết".
Thế rồi vào đầu những năm 2000, vài hộ dân năng động chuyển đổi sang trồng đào phai chơi Tết. Đào là loại cây khá phù hợp với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Phạm Xuân Thủy ở xóm 6 là một trong những người đầu tiên đưa cây đào phai vào trồng tại xã Đông Sơn. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng đào của gia đình, ông Thủy bảo nhà ông thầu được hơn 1 mẫu đất. Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình ông trồng sắn tại diện tích đất này. Tuy nhiên, vì không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên năng suất cây trồng không cao. Có năm hạn hán còn mất trắng. "Cũng nhiều lần tôi thuê người đào giếng để chủ động nguồn nước tưới cho cây màu, tuy nhiên vì là đất cằn nên đào mãi cũng chẳng gặp được mạch nước nào. Bởi vậy, dù đã đưa vào trồng những cây có khả năng chịu hạn cao. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cũng không đáng là bao. Năm 2005, tôi chuyển sang trồng cây đào phai để cung cấp hoa vào dịp Tết"- ông Thủy nói. Vậy là, từ việc trồng thí điểm cho hiệu quả cao, những năm sau đó gia đình ông Thủy dành cả mẫu đất này để trồng đào. Trung bình, mỗi năm vườn đào mang lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi từ 30-40 triệu đồng/vụ, có năm được giá còn thu về 50 triệu đồng. Vừa thoăn thoắt tay tỉa cành, tuốt lá để cây đào có thế đẹp và ra hoa đúng thời điểm, ông Thủy phấn khởi nói, theo kinh nghiệm trong hơn 20 năm trồng đào của tôi thì thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây đào phát triển. Dự báo năm nay sẽ là một năm trồng đào thành công.
Giờ thì chẳng riêng nhà ông Thủy, toàn xã Đông Sơn đã có gần 1.000 hộ trồng đào phai với diện tích trên 120 ha. 7/12 thôn ở Đông Sơn được công nhận là Làng nghề trồng đào phai. Được công nhận là làng nghề, người dân Đông Sơn càng nỗ lực bám ruộng, bám vườn, gắn bó với cây đào. "Bao nhiêu năm bôn ba để tìm cách thoát nghèo mà cái nghèo vẫn đeo đẳng. Giờ thì chẳng cần đi đâu xa nữa, chỉ cần bám vào cái đất cằn này, dành mồ hôi, tâm sức cho nó thì chẳng lo nghèo nữa, thậm chí còn có cơ hội vươn lên làm giàu đó"- lão nông Phạm Xuân Thủy nói như vậy. Và để hỗ trợ người dân làm nghề một cách chuyên nghiệp, xã Đông Sơn thường xuyên tổ chức các buổi chuyển giao KHKT để người nông dân nắm vững kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, tạo dáng và hãm hoa nở đúng dịp. Xã cũng chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đứng ra tín chấp, tạo mọi điều kiện cho gia đình hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Riêng trong năm 2016, UBND xã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho 1.250 hộ dân vay với tổng số dư nợ 30,2 tỷ đồng. Người dân có kỹ thuật và tay nghề lâu năm đã mạnh dạn đầu tư giống, vốn trồng đào và chè xanh…, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tổng thu nhập từ cây đào phai đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng so với năm 2015. Số lượng gia súc, gia cầm tăng, dần hình thành nên trang trại, gia trại nuôi các con đặc sản như: hươu, nhím, dê, ong, thỏ, bồ câu... phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã. Ngoài ra, xã cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương… Với các giải pháp trên, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đông Sơn giảm còn 4,47%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Nguyễn Hùng