Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Phong xác định phải tập trung phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. Ông Bùi Trần Dự, Bí thư đảng ủy xã cho biết: Thực hiện chủ trương này xã đã xây dựng Đề án "Tích tụ đất nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất tập trung".
Trong đó, đặc biệt chú trọng việc cải tạo, chuyển đổi các vùng đất hoang hóa, khu vực có năng suất thấp và khó khăn về nguồn nước tưới, tiêu... Xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp vận động những hộ không có nhu cầu hoặc sản xuất không hiệu quả tập trung cho doanh nghiệp thuê đất. Bên cạnh đó xã cũng tạo điều kiện để mời gọi các cá nhân, doanh nghiệp có đủ năng lực vào đầu tư.
Trước hiện trạng sản xuất nông nghiệp ở địa phương chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên hiệu quả không cao, dẫn đến nhiều hộ dân không mặn mà với đồng ruộng HTX nông nghiệp Đồng Phong đã vận động xã viên giao đất cho doanh nghiệp thuê.
Để bà con yên tâm giao đất, HTX đã hạch toán năng suất, giá trị từng sào của các loại cây như lúa, ngô để bà con biết được mình làm có lãi hay không và kết hợp với doanh nghiệp cho thuê đất, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp và cá nhân có khả năng thầu lại.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án đến nay xã Đồng Phong đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Điển hình như mô hình Lúa cao sản, giống GL105, PC26 (giống lúa Nhật Bản) với 70 hộ gia đình tham gia, năng suất trung bình 7,5 tấn/ha/vụ. Thu nhập trung bình lúa tươi 45 triệu đồng/ha/vụ. Người nông dân sau khi thu hoạch sẽ được doanh nghiệp thu mua tại đầu bờ với giá thóc khô theo thời điểm hiện tại.
Nhiều mô hình rau, quả các loại cũng cho thu nhập cao như mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích 1,5ha của hộ ông Bùi Đức Thuận, năng suất trung bình 15 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/sào/năm; Mô hình sản xuất rau an toàn tại hộ ông Lương Văn Hải, diện tích 1ha; thu nhập bình quân 15 triệu đồng/sào/năm; Mô hình cây hành lá do HTX nông nghiệp Đồng Phong chuyển đổi cây trồng, diện tích 2,3ha, sản lượng trung bình 1,2 tấn/sào, thu nhập bình quân 8,4 triệu đồng/sào/vụ.
Khu vực đất có địa hình cao, không thuận lợi cho thủy lợi nội đồng xã đã vận động những cá nhân có năng lực thuê đất để thực hiện mô hình cây ăn quả tập trung. Đến nay nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả như mô hình trồng ổi lai tổng diện tích 1,2ha.
Kết quả bước đầu cho thu nhập 250-270kg/sào; năng suất trung bình ước đạt 7,5 tấn/ha; thu nhập bình quân 187,5 triệu đồng/ha; Mô hình Cam Cao Phong diện tích 5 ha với khoảng 5.000 cây và chanh đào diện tích 2 ha của hộ ông Bùi Trần Dự, hiện tại cho quả bắt đầu được thu hoạch dự kiến năng suất 15 tấn/ha, thu nhập bình quân trên 375 triệu đồng/ha.
Đặc biệt xã đã ký kết với Công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình cho thuê trên 40 ha đất của thôn Phong Thành, xã Đồng Phong để thực hiện làm đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất cánh đồng khép kín theo hướng chuỗi giá trị.
Cánh đồng của thôn Phong Thành trước kia gần như bị bỏ hoang, người dân chỉ trồng 1 vụ lạc với năng suất không cao nên xã tạo điều kiện để Công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình thuê đất với diện tích 40ha với thời hạn 10 năm.
Hiện công ty đã tiến hành trồng khoai tây xuất khẩu, khoai sọ và sản xuất lúa chất lượng cao; Người dân cho thuê đất được ưu tiên đào tạo và tuyển dụng làm công nhân nông nghiệp trong doanh nghiệp với mức lương ổn định từ 120.000-150.000đ/người/ngày.
Có thể nói, trong khi dồn điền đổi thửa ở một số địa phương trong huyện còn nhiều khó khăn thì ở Đồng Phong đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình tích tụ ruộng mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho cả chủ đất và người thuê đất. Hiệu quả bước đầu của Đề án tích tụ ruộng đất chính là tiền đề để Đồng Phong hoàn thành tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình xây dựng vùng sản xuất tập trung.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm