Phương châm đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm được các cấp bộ Đoàn trong huyện cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động thiết thực. Theo đó, hàng năm, các cấp bộ Đoàn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên, trên cơ sở đó triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Từ nhu cầu thực tiễn, Huyện đoàn phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các buổi tham quan những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả... nhằm giúp ĐVTN tiếp cận thông tin thị trường, nâng cao kiến thức, hiểu biết trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Năm 2018, các cấp bộ Đoàn huyện Yên Khánh đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động cho hơn 300 ĐVTN; tư vấn chọn trường, định hướng nghề nghiệp cho hơn 1.300 đoàn viên, học sinh; Đoàn các xã, thị trấn giới thiệu việc làm cho trên 500 ĐVTN vào làm việc trong các công ty, nhà máy trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong huyện tích cực vận động ĐVTN và gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tham gia xây dựng cánh đồng mẫu cấy lúa chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Để giúp thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn vay, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã thực hiện tốt chương trình tín chấp vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện toàn huyện có 39 Tổ vay vốn của thanh niên. Các Tổ đã nhận ủy thác với Ngân hàng trên 30 tỷ đồng, giúp cho trên 1.300 hộ ĐVTN vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Huyện đoàn tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn khảo sát, thẩm định, hỗ trợ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn cho các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên với tổng số tiền 500 triệu đồng.
Nhằm khơi dậy khát vọng lập thân, lập nghiệp của ĐVTN khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều năm qua, Đoàn các trường THPT, Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện đã duy trì các chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", chương trình "Khi tôi 18", phát động các cuộc thi sáng tạo trẻ... Thông qua các chương trình đã hướng học sinh tới lối sống đẹp, sống có ích; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm kịp thời giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường.
Chỉ tính riêng năm 2018, Đoàn các trường THPT, Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức tuyên dương 523 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, học sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt tích cực tham gia các hoạt động với tổng số tiền 260 triệu đồng. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học với số điểm cao cũng được trao tặng học bổng, giúp các em có điều kiện chinh phục tri thức, viết tiếp ước mơ giảng đường.
Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, các cấp bộ Đoàn huyện Yên Khánh còn gắn với rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần. Các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng xã hội cho thanh niên được tổ chức thường xuyên như: tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề; bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng hoạt động tập thể, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, kỹ năng hội nhập… qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của thanh, thiếu nhi trong việc xây dựng phong cách sống đẹp, sống có ích.
Năm 2018, các cấp bộ Đoàn huyện Yên Khánh đã tổ chức trên 150 buổi giao lưu văn nghệ, 250 buổi dạy múa, hát, trò chơi dân gian, 56 buổi giao lưu bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi…, góp phần nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh, thiếu nhi, hạn chế mắc các tệ nạn xã hội.
Từ sự hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, hiện toàn huyện Yên Khánh có 57 mô hình kinh tế của thanh niên tập trung ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp... Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Thanh niên Yên Khánh cũng là lực lượng tiên phong trong phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Mai Lan