Đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các thành viên ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án và kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hàng năm và từng giai đoạn. Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh được thành lập theo Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 14/1/2016.
Theo kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ từng bước cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.... đảm bảo 100% cơ quan đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai, kết nối liên thông Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.
Trong đó: 70% văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh được ký số và gửi trong Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; 85% văn bản cấp Sở, ngành, huyện gửi/nhận trên môi trường mạng và thực hiện liên thông; 60% văn bản cấp xã và các đơn vị trực thuộc Sở, ngành được quản lý trên môi trường mạng và thực hiện liên thông đến cấp tỉnh; Tối thiểu có 80% các thủ tục hành chính (thực hiện theo cơ chế 1 cửa, một cửa liên thông) ứng dụng trên phần mềm Một cửa điện tử liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn.
Theo kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); từng bước hình thành khu và các khu Công nghệ thông tin tập trung, thu hút các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước đến đầu tư.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến dự thảo các văn bản, nêu rõ những điểm, mục chưa hợp lý, cần sửa đổi hoặc làm rõ hơn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu. Kết luận tại hội nghị, đồng chí nêu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Những năm qua, do một số nguyên nhân khiến việc triển khai công tác trên còn chậm. Vì vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh việc thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, có chất lượng.
Đồng chí yêu cầu: Các cơ quan Nhà nước trong tỉnh cần xem xét, phân công cán bộ cụ thể phụ trách công nghệ thông tin; chủ động lựa chọn phần mềm phù hợp với điều kiện của riêng mỗi đơn vị, nhưng vẫn phải đảm bảo có thể liên thông với hệ thống chung; giao cho Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư và vốn sự nghiệp chi cho ứng dụng, phát triển CNTT và truyền thông, đồng thời phối hợp với phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ để xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, hạng mục CNTT và truyền thông, trình UBND tỉnh xem xét; Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch thu hút nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực an ninh mạng, mã nguồn mở cho các cơ quan nhà nước; các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai ứng dụng CNTT phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương, đơn vị báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 28/2.
Thái Học-Anh Tuấn