P.V: Xin đồng chí đánh giá những khó khăn, thuận lợi của tỉnh Ninh Bình thời điểm cách đây 25 năm khi tái lập tỉnh? Đ/c Tô Xuân Toàn: Tỉnh Ninh Bình tái lập trên cơ sở giữ nguyên trạng vị trí địa lý, địa giới hành chính của tỉnh Ninh Bình thời điểm hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh (năm 1976), gồm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã.
Thuận lợi cơ bản thời kỳ tái lập trước hết phải nói đến việc cán bộ và nhân dân trong tỉnh rất phấn khởi, vui mừng trước việc chia tách tỉnh Hà Nam Ninh, có nhận thức đúng đắn về chủ trương thành lập lại tỉnh Ninh Bình; có khí thế quyết tâm cao xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển. Tôi nhớ ngày 1-4-1992, khi đoàn cán bộ của tỉnh Hà Nam Ninh cũ về nhận công tác tại Ninh Bình, nhân dân đã đứng 2 bên cầu Non Nước chào đón nồng nhiệt. Cùng với khí thế đó, truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, giàu lòng yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh giữ nước của nhân dân Ninh Bình. Một thuận lợi nữa là Ninh Bình có nhiều tiềm năng thiên nhiên, vị trí địa lý để xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ hợp lý; phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, có khả năng giải quyết lương thực và thực phẩm tiêu dùng ở địa phương và xuất khẩu.
Tuy nhiên, thực trạng kinh tế - xã hội thời điểm đó đặt ra những khó khăn, thách thức lớn trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương. Trụ sở làm việc cho cán bộ lãnh đạo khi đó không có, phải nhờ chủ yếu vào cơ sở vật chất cũ của huyện Hoa Lư. Bộ máy tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ chuyên môn, lại thiếu đồng bộ. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống xã hội trong tình trạng thấp kém, lạc hậu. Đi đôi với khó khăn về cơ sở vật chất là sự yếu kém về chất lượng của các ngành y tế, giáo dục, văn hóa. Năm đầu tái lập, tỉnh chỉ được cấp kinh phí 5 tỷ đồng để hoạt động. Tốc độ phát triển sản xuất từ năm 1980 đến 1990 tăng bình quân chưa đến 1%. Sản lượng lương thực bình quân mới đạt 330 kg/người/năm. Thu nhập của người lao động thấp, một bộ phận nhân dân đời sống rất khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn còn lớn. Thu - chi ngân sách ở địa phương mất cân đối lớn, thu không đủ chi.
P.V: Thưa đồng chí, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ tỉnh đã có những giải pháp quyết liệt như thế nào để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển sau này?
Đ/c Tô Xuân Toàn: Ngày 10-3-1992, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) ra Quyết định chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Ninh Bình gồm 19 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 5 ủy viên, do tôi làm Bí thư. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phân công các ủy viên BCH, ủy viên Ban Thường vụ phụ trách từng lĩnh vực công tác của Đảng bộ, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. BCH Đảng bộ tỉnh lúc đó đã đề ra những nhiệm vụ trước mắt như: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên và quân dân toàn tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, tập trung xây dựng tổ chức đảng, bộ máy chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức kinh tế. Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp, các ngành xây dựng quy chế làm việc, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, chương trình công tác năm 1992, đảm bảo phương châm gọn nhẹ, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, tập trung phát triển sản xuất, quản lý ngân sách, giải quyết các vấn đề xã hội và tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tháng 8-1992, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã xác định phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 1995, được coi là kim chỉ nam cho mọi hành động là: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên đất đai. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhiều thành phần, lấy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện làm nhiệm vụ hàng đầu, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, hoàn thiện, tăng cường cơ chế quản lý mới, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ phát triển dân số. Từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ, lập lại trật tự kỷ cương. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, xây dựng tỉnh Ninh Bình giàu đẹp.
Ngay từ thời điểm mới tái lập, tỉnh đã xác định 2 định hướng phát triển chiến lược là sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng. Với hàng loạt các chủ trương chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, bứt phá. Bốn năm sau tái lập tỉnh (1992-1995), cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ, du lịch tăng lên. Đến năm 1995, tổng sản lượng lương thực đạt 31,9 vạn tấn; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 15,2%; tỷ trọng giá trị công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng nông - công nghiệp đạt gần 30%. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Ngành xây dựng khắc phục khó khăn về vốn và vật tư hoàn thành nhiều công trình lớn: Dây chuyền luyện cán thép Công ty Bê tông - Thép Ninh Bình, công suất 10.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng Công ty xi măng Hệ Dưỡng, công suất 60.000 tấn/năm; đầu tư nâng công suất Nhà máy gạch tuy nen Vườn Chanh lên 25 triệu viên/năm... Hoàn thành nhiều công trình xây dựng cơ bản, làm đường giao thông, kiên cố kênh mương để phục vụ cho sản xuất. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện cả vật chất và tinh thần, tạo thế và lực mới để Ninh Bình cùng cả nước vững tin bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong 5 năm (1996-2000), Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, bền bỉ phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2000, sản lượng lương thực quy thóc đạt 45,5 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt trên 500 kg. GDP bình quân đầu người năm 2000 gấp 2-3 lần năm 1991, gấp 1,6 lần năm 1995. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, từng bước cải thiện, tiến bộ. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ngày càng được củng cố và nâng cao...
P.V: Là người đảm nhận trọng trách của tỉnh những năm đầu tái lập, đồng chí có thể chia sẻ những trăn trở cũng như điều tâm đắc nhất?
Đ/c Tô Xuân Toàn: Điều mà tôi tâm đắc nhất có lẽ là bài học về sự đoàn kết trong suốt gần 10 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất tỉnh từ năm 1992 tái lập tỉnh. Xuất phát điểm của Ninh Bình khi tái lập là tỉnh nghèo, yếu và thiếu mọi mặt nhưng nhờ sự đoàn kết và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh mà Tỉnh ủy đã đề ra nhiều quyết sách đúng đắn, chủ động, kịp thời, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sát hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương. Đoàn kết đã tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, đưa Nghị quyết của Đảng thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Những thành tựu đạt được từ khi tái lập tỉnh đã tạo nền tảng quan trọng, tạo thế và lực mới, động viên sức mạnh tổng hợp để Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh tích cực phấn đấu, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vững bước tiến vào thế kỷ XXI.
Điều mà tôi trăn trở nhất khi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy cũng như đến tận bây giờ vẫn là phải gắn kết chặt chẽ giữa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình với phát triển bền vững, không nóng vội, không đốt cháy giai đoạn. Đó là bài toán đặt ra từ thế hệ chúng tôi đến những thế hệ lãnh đạo hiện tại và sau này. Tôi kỳ vọng Ninh Bình sẽ ngày càng phát triển, tiến xa và vững chắc.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quỳnh Thu